Tối ưu cơ hội, cùng giải quyết thách thức

Trong định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo Ủy hội sông Mekong quốc tế (gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực; áp dụng bộ các thủ tục của Ủy hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong.

Mekong là con sông quốc tế nối liền Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và một phần lãnh thổ Trung Quốc. Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS, gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc) có vị trí nối liền khu vực Đông Nam Á với Đông Bắc Á và Nam Á. Hợp tác khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng được tăng cường từ năm 1992 thông qua Chương trình GMS của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều chương trình hợp tác khác. Trải qua gần 3 thập niên phát triển, hợp tác này được đánh giá là khá thành công, bởi lẽ nó đã làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các nước trong vùng.

Có thể thấy, Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã trở thành khu vực địa - kinh tế, địa - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á, là mục tiêu hợp tác lý tưởng đối với các cường quốc. Từ năm 2000 đến nay, các nước lớn đã tăng số lượng và quy mô của các dự án hợp tác tại khu vực này với sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ. Một loạt cơ chế hợp tác giữa các nước Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và các nước đối tác đã hình thành như Hợp tác sông Mekong - sông Hằng (2000), Hợp tác Mekong - Nhật Bản (2008), Hợp tác các nước hạ nguồn sông Mekong - Mỹ (2009) và gần đây nhất là Hợp tác Mekong - Lan Thương (2016)...

Các khuôn khổ hợp tác trong khuôn khổ Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã góp phần quan trọng vào củng cố hòa bình, ổn định, hội nhập và phát triển trong lưu vực và khu vực. Thông qua các cơ chế hợp tác, các kênh, diễn đàn mới được hình thành giúp các nước trong lưu vực tìm kiếm được những biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, giải quyết các vấn đề chung của khu vực và sử dụng tối đa tài nguyên trên cơ sở thảo luận bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi.

Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hợp tác, phát triển lưu vực Mekong. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ sáu, diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 3-2018. Ảnh: TTXVN

Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hợp tác, phát triển lưu vực Mekong. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ sáu, diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 3-2018. Ảnh: TTXVN

Theo Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), chỉ bằng cách thấu hiểu tình trạng hiện tại của lưu vực sông Mekong đã thay đổi như thế nào và động lực của những thay đổi này, chúng ta mới có thể quản lý các thách thức hiệu quả hơn.

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu và hạn chế, cũng như bối cảnh khu vực và quốc tế, Ủy hội sông Mekong quốc tế xác định tiếp tục thúc đẩy tiến trình hợp tác Mekong mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược hợp tác lưu vực.

Ủy hội sông Mekong quốc tế đề cao việc áp dụng bộ các thủ tục của Ủy hội sông Mekong quốc tế về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong; tăng cường vai trò của Ủy hội trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực; Tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.

Ngoài ra, Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng xác định rõ cần tận dụng tốt các cơ hội phát triển và xử lý các thách thức thông qua một tiến trình chung của cả lưu vực, có tính tổng thể, bao trùm và đa ngành, thực hiện các khuyến nghị chính của báo cáo Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm tác động của các dự án thủy điện dòng chính, thực hiện tất cả các thủ tục của Ủy hội sông Mekong quốc tế nhằm sử dụng nguồn nước một cách bền vững, hợp lý và công bằng.

Theo đó, các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Ủy hội sông Mekong quốc tế trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và vai trò giám sát, điều phối của Ủy hội sông Mekong quốc tế trong triển khai thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên; Khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng khung quy hoạch phát triển lưu vực nhằm hài hòa quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia và thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác chung, tăng cường chia sẻ thông tin số liệu trong lưu vực sông Mekong và đẩy mạnh các hoạt động điều phối, hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đối tác phát triển và các tổ chức quản lý lưu vực sông xuyên biên giới khác nhằm huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại trong triển khai các sáng kiến hợp tác tiểu vùng.

Đặc biệt, Ủy hội sông Mekong quốc tế xác định ưu tiên tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc hiện nay, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới quan trắc chung về tác động của các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong và chia sẻ các thông tin số liệu cho các quốc gia thành viên; phổ biến và lồng ghép các kết quả của Ủy hội sông Mekong quốc tế, trong đó có kết quả của Nghiên cứu chung của Ủy hội sông Mekong quốc tế về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, chiến lược và chương trình hành động hợp tác vùng vào chiến lược và chương trình hành động quốc gia.

Bên cạnh đó, Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác với các Đối tác đối thoại và các Đối tác phát triển, các sáng kiến vùng và quốc tế, các tổ chức có liên quan nhằm huy động nguồn lực thực hiện thắng lợi Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016-2020; áp dụng bộ các thủ tục của Ủy hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mekong; tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mekong - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác, đồng thời tiếp tục khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng.

Mực nước sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan xuống thấp hồi tháng 7-2019. Ảnh: Bangkok Post

Lưu vực sông Mekong ở Việt Nam có diện tích khoảng 71.000 km2, chiếm hơn 8% diện tích toàn lưu vực và 20% diện tích Việt Nam nên có ý nghĩa chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng, đối ngoại, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Với vị trí cửa ngõ phía Đông của Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, Việt Nam có vai trò quan trọng trong kết nối khu vực và kinh tế phát triển năng động, là một động lực tăng trưởng quan trọng, một nhân tố không thể thiếu trong việc triển khai các sáng kiến liên kết kinh tế trong hợp tác Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Với tư cách là một nước thuộc nhóm các nước phát triển hơn trong Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và có nhiều thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chính trị của mình trong Hợp tác Khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng thông qua việc tham gia vào các hoạt động cụ thể, chủ động đề xuất và thực hiện linh hoạt các sáng kiến khác nhau, kêu gọi các nước trong lưu vực sông Mekong đặt ưu tiên cao hơn cho an ninh nguồn nước trong các kế hoạch và ngân sách quốc gia; gắn kết các nước vào các sáng kiến về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, sức khỏe và biến đổi khí hậu...

VŨ NGUYÊN (Tổng hợp)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/toi-uu-co-hoi-cung-giai-quyet-thach-thuc-a116644.html