Tối ưu website giúp HTX mang nông sản ra thế giới

Xây dựng uy tín, quảng bá và nâng tầm thương hiệu là mục đích hàng đầu mà mọi HTX khi xây dựng website đều hướng tới. Tuy nhiên, làm sao để tối ưu được những tính năng của website trong sản xuất kinh doanh là mong mỏi của các HTX, vì thành lập website là một chuyện, vận hành ra sao cho 'ra tấm ra món' lại là chuyện khác.

HTX Nông dược Gotafarm (xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã tiếp cận được khá nhiều khách hàng thông qua trang web của riêng mình. Các thành viên HTX đều là những người trẻ nên ai cũng coi đây là một trong những phương tiện tốt để tiếp thị sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh theo một hình thức mới.

Công cụ kinh doanh hiệu quả

Có thể thấy, website bán hàng online hiện nay ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều HTX sử dụng. Ông Đặng Văn Chính, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Công nghệ thông tin Huế (Thừa Thiên - Huế), cho biết, hiện nay, đa số HTX đều xây dựng website để quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Phần lớn HTX đều đánh giá việc sử dụng website phục vụ cho mục đích bán hàng, xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả hoặc rất hiệu quả.

Không chỉ với website của riêng mình, nhiều người đứng đầu các HTX hiện cũng thực hiện tra cứu thông tin trên website của các đơn vị, đối tác, cơ quan nhà nước để tìm hiểu về các điều kiện sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm các cơ hội phát triển.

Theo các chuyên gia, số lượng người lướt web không ngừng tăng cao bởi truy cập internet không còn là nhu cầu mà là thói quen của nhiều người trong xã hội hiện đại. Website cũng là công cụ xếp thứ hai sau Facebook và đứng trước sàn thương mại điện tử, email, Zalo, Instagram, Youtube… để giúp các HTX, doanh nghiệp kinh doanh nông sản hiệu quả.

Website của HTX Gotafarm hiện mới có một ngôn ngữ là Tiếng Việt.

Website của HTX Gotafarm hiện mới có một ngôn ngữ là Tiếng Việt.

Với Zalo, HTX vẫn có thể đăng bài về sản phẩm trên trang của mình. Tuy nhiên, đối với quảng cáo thì Zalo lại thích hợp cho các sản phẩm công nghiệp, hóa mỹ phẩm hơn là nông sản. Đồng thời, đây được xem là ứng dụng làm việc, gọi thoại nhiều hơn là để bán hàng.

Với Instagram, HTX vẫn có thể tạo các video, mẩu chuyện, những tệp ảnh đẹp về nông sản sạch, trang trại sản xuất. Tuy nhiên, hình thức này thiên về các Farm và các công ty, tập đoàn quy mô lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều.

Với Youtube, HTX có thể ứng dụng kết hợp vào các nền tảng khác. Nhưng nếu HTX đã làm Youtube thì phải đầu tư các máy móc, thiết bị quay và đòi hỏi HTX phải có cả kỹ năng chỉnh sửa video nên có thể nhiều HTX, nhất là HTX quy mô nhỏ, nguồn nhân lực yếu khó áp dụng hiệu quả.

Còn đối với website đang tạo được độ tin cậy khá cao, dễ vận hành, dễ thay đổi giao diện. Hiện, trang web vẫn được coi là nơi đầu tiên mà khách hàng sẽ tìm hiểu sau khi nhận được thông tin, sản phẩm… của HTX. Chính vì vậy, nếu HTX không có website hoặc có nhưng website đó không được đầu tư thì khả năng cao HTX sẽ không tiếp cận được khách hàng.

Nâng công năng để "mở đường" xuất khẩu

Hiện nay, có những HTX đầu tư website nhưng không nâng cấp nên không mang lại hiệu quả. Ông Đặng Văn Chính cho biết phải đến 90% website của các HTX chỉ có một loại ngôn ngữ phổ biến là Tiếng Việt. Trong khi đó, hầu hết website của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn đã được đầu tư nhiều hơn một ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung…

Song song đó, nhiều trang web của các HTX hiện chưa tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook) với khách hàng của mình trên chính các nền tảng website đó.

Vải thiều của các HTX tại Bắc Giang tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu thuận lợi một phần là nhờ các HTX đã đầu tư website.

Vải thiều của các HTX tại Bắc Giang tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu thuận lợi một phần là nhờ các HTX đã đầu tư website.

Những điều này làm giảm khả năng tương tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của chính các HTX đối với khách hàng, đối tác, nhất là đối tác nước ngoài. Do đó mới có tình trạng HTX có website nhưng chủ yếu mới bán hàng được tại thị trường nội địa, chưa đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trung Dũng, nhà sáng lập và CEO hãng gia vị Dh Foods, cho biết để tìm kiếm được khách hàng và xuất khẩu thành công, nhất là đối với những đơn vị khởi nghiệp thì website phải được tối ưu, tận dụng hết hiệu quả.

Muốn vậy, website phải đảm bảo đầy đủ thông tin, sắp xếp logic và bắt mắt. Việc thay đổi giao diện web có thể mang đến sự mới mẻ cho khách hàng mỗi lần vào xem nhưng khi thay đổi cũng cần cẩn trọng, tránh thay đổi liên tục sẽ gây phản tác dụng.

Theo nhà sáng lập Dh Foods, muốn tối ưu được công năng của web thì phải đầu tư, nâng cấp dung lượng để tốc độ truy cập không bị chậm hoặc đơ gây tâm lý ức chế cho người vào xem. Trên web nên có câu chuyện khởi nghiệp hay câu chuyện sản phẩm để tác động đến cảm xúc của khách hàng. Website ít nhất cần có song ngữ Việt-Anh mới có thể tiếp cận được đa khách hàng.

Có thể thấy, việc đầu tư cho website nếu mang dấu ấn cá nhân sẽ có sức hút không nhỏ đối với người xem. Nhưng nhìn trên phương diện thị trường, đầu tư website cũng là một hình thức marketing online và đây được đánh giá là một "cuộc chiến đốt tiền" nên lợi thế luôn đứng về những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

HTX cũng giống như một doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu chưa thể bước vào "cuộc chiến" này thì những người đứng đầu HTX, nhất là những HTX thanh niên có thể dành thời gian học tập để tự mình quản lý, xây dựng và duy trì trang web. Đây cũng là cách tối ưu để tiết kiệm chi phí thay vì sử dụng dịch vụ ngoài hay thuê nhân sự riêng, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay thì điều này càng cần thiết.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/toi-uu-website-giup-htx-mang-nong-san-ra-the-gioi-1099774.html