'Tôi xem ông Phan Văn Khải như cha, như chú...'

'Ông Khải như người cha của mình vậy mà. Tôi xem ông như cha như chú, ông mất thì tôi đi viếng là lẽ đương nhiên' - chị Ngọc Ánh chia sẻ.

Tối 19-3, linh cữu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được đưa từ quê nhà Củ Chi về quàn lại Hội trường Thống Nhất. Sáng sớm nay (20-3), người dân ở nhiều nơi đã đến trước cổng Hội trường Thống Nhất đứng chờ bên ngoài để được vào viếng.

Xem nguyên Thủ tướng là cha, là chú...

Chị Lê Thị Lan Thanh, 48 tuổi, ở gần ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) đến Hội trường Thống Nhất từ sáng sớm. Chị Thanh nói dù chưa được gặp nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở ngoài đời nhưng qua truyền hình, tivi, đọc báo, chị thấy quý ông như người cha, người chú, máu mủ ruột rà của mình.

Người đi đường nán lại lễ tang của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. ẢNH: THANH TUYỀN

“Nhìn nụ cười ông hiền lành sao đó mà thấy thương thương. Với lại, tui cũng có biết ông làm được nhiều điều cho người dân nghèo tụi tui nên tui quý” - chị Thanh nói.

Chị Thanh nói thêm: “Tính ra thì tuổi của ông cũng ngang tuổi cha, tuổi chú tui rồi. Người gần mình mà mất thì mình đi viếng mới phải đạo. Còn đây lại là lãnh đạo đất nước mình, là người làm nhiều việc cho người dân thì mình càng phải quý, phải trọng. Một chút thời gian có là bao nhiêu, đến để tiễn đưa ông cũng mãn nguyện rồi”.

Nhà ở quận 4, dù phải buôn bán nhưng chị Ngọc Ánh vẫn tranh thủ đến để một lần được nhìn linh cữu của nguyên Thủ tướng. “Chồng tui chở tui đi mà ảnh đứng giữ xe bên kia. Tui chạy vô đây mà không biết khi nào mới được vào viếng...” - chị Ánh nói với nhiều người đứng gần đó.

Cũng như chị Thanh, chị Ánh chưa một lần gặp nguyên Thủ tướng ngoài đời. “Không cần phải gặp mới thương, mới quý. Tui thấy ổng cười, ổng nói rồi những việc ổng làm trên đài cho người dân như vậy... Mấy bà trong khu nhà tui ở có nói ông làm được nhiều cho người nghèo, công nhân, vậy nên tui quý chứ hổng có gì hết. Người toàn tâm toàn ý cho người nghèo, người khó như ổng hiếm lắm. Ông Khải như người cha của mình vậy mà. Tôi xem ông như cha như chú, ông mất thì tôi đi viếng là lẽ đương nhiên” - chị Ánh nói tiếp.

Chị Ngọc Ánh đứng hướng về nơi đặt linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải qua hàng rào. ẢNH: THANH TUYỀN

Vì không biết được đến khi nào mới được vào viếng, chị Ánh đã đứng ngoài hàng rào, chắp tay cung kính. Còn chị Thanh thì nói: “Được vào thắp cho ông một nén nhang thì tốt, còn không cũng không sao đâu. Mình cứ đứng bên ngoài mà lòng mình có hướng về ông, mong ông an nghỉ là được rồi. Như thế là đã thấy nhẹ nhõm”.

Cất kỹ bài diễn văn của nguyên Thủ tướng

Dòng người đến viếng nguyên Thủ tướng không chỉ là những người lớn tuổi mà còn là những thanh niên trẻ, anh bán vé số, hay những người vô tình đi ngang qua cũng nán lại đôi phút để chào.

Lẫn trong đám đông qua lại, đôi chân có tật nhưng anh Nguyễn Văn Trường (38 tuổi) vẫn chịu khó di chuyển để tìm được góc nhìn thoáng hơn, làm sao để nhìn cho rõ vào bên trong, nơi linh cữu của nguyên Thủ tướng đang nằm. Anh Trường nói “Tôi có biết hôm này là Quốc tang của ông Khải. Tôi đến để chào ông cái rồi đi. Tôi có biết ông giúp nhiều cho dân nghèo lắm đó cô, như tui vậy” - anh Trường vừa nói vừa thở vì phải vừa di chuyển một đoạn đường dài.

Nói rồi, anh lại lê đôi chân khó nhọc di chuyển đến một góc đường khác, lại đứng nhìn vào bên trong...

Cũng đứng chờ như bao người khác, Nguyễn Ái Tường Vân, 22 tuổi, cựu SV Học viện hành chính quốc gia nói rằng muốn đến lễ tang của nguyên Thủ tướng.

Tường Vân (góc phải ảnh) và chị Lan Thanh (góc trái ảnh) đứng chờ trước cổng Hội trường Thống Nhất từ sớm. ẢNH: THANH TUYỀN

“Có lẽ do mình từng là SV của ngôi trường có nhiều thế hệ chính trị gia theo học, đó là niềm tự hào. Nhưng thật sự thì mình biết là mình quý và kính trọng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhiều lắm...” - Tường Vân nói.

Vân hiện đã có công việc nhưng sáng sớm nay Vân đã sắp xếp ổn thỏa để tranh thủ ghé Hội trường chờ được vào viếng.

“Mình có đọc, có xem rất nhiều tài liệu về bác Khải. Đã từ lâu, bác chỉ ra vấn đề tham nhũng, những mặt khó khăn của đất nước để tiến hành cải cách. Mà con người bác thì lại dung dị và gần gũi lắm, sống vì dân là chính. Đọc về bác, tìm hiểu về bác, mình nghĩ về thế hệ thanh niên như chúng mình... Ở Bác có quá nhiều đức tính tốt mà người trẻ như mình cần phải lấy đó làm gương” - Tường Vân nói.

Các em học sinh đến viếng từ sáng sớm. ẢNH: THANH TUYỀN

Với Tường Vân, ấn tượng sâu đậm nhất cho đến giờ về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là bài diễn văn của ông trước khi từ nhiệm. “Mình vẫn lưu giữ bài diễn văn đó cho đến bây giờ và chắc chắn là cho đến sau này nữa”, Vân nói với sự kính trọng dành cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/toi-xem-ong-phan-van-khai-nhu-cha-nhu-chu-760573.html