Tôi yêu nghề

Quyết định trở về quê của anh Tuấn bị nhiều người coi là 'điên' bởi lúc đó công nhân trồng trọt vất vả, cực nhọc, thu nhập không cao. Nhưng anh Tuấn lại nghĩ 'có đất là có việc, có việc là có thu nhập và thu nhập cao hay thấp là do mình'.

Anh Nguyễn Xuân Tuấn và cánh đồng ngô sinh khối của gia đình.

“Yêu đất, đất để quả ngọt”

Đó là tâm sự của anh Nguyễn Xuân Tuấn, công nhân Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (Yên Định). Yêu nông nghiệp và mong muốn làm giàu cho quê hương, ngay khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, anh Tuấn không ngần ngại mà lựa chọn làm công nhân để gắn bó và phát triển nghề.

Quyết định trở về quê của anh Tuấn bị nhiều người coi là “điên” bởi lúc đó công nhân trồng trọt vất vả, cực nhọc, thu nhập không cao. Nhưng anh Tuấn lại nghĩ “có đất là có việc, có việc là có thu nhập và thu nhập cao hay thấp là do mình”. Do vậy khi nhận khoán 5 ha từ công ty, anh Tuấn bắt tay ngay vào việc học nghề nông. Đó là những bài học về kinh nghiệm trồng trọt, thời tiết, thời vụ của những người đi trước, là quy trình, kỹ thuật, khoa học từ những kỹ sư giàu kinh nghiệm, là mô hình hay, hiệu quả của những công nhân đã thành công. Cộng với kiến thức chính quy học được từ nhà trường, anh Tuấn không những biến thửa đất kém hiệu quả thành “bờ xôi ruộng mật” mà còn trở thành “đồng chí kỹ sư” được nhiều công nhân yêu mến bởi những kiến thức nông nghiệp anh giúp đỡ, tư vấn cho mọi người.

Nói về công việc của mình, anh Tuấn tâm sự hơn 14 năm làm nghề, bản thân anh đã chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của nghề, có thời điểm giá mía xuống thấp, không đủ bù chi phí sản xuất, công nhân bỏ đất, bỏ nghề. Anh có lúc dao động nhưng nghĩ về lý do ban đầu chọn nghề cùng với công sức mình bỏ ra trong thời gian dài và sự tin tưởng của những công nhân trong công ty, anh lại nỗ lực bám trụ, cố gắng thoát khỏi “hiểm cảnh”. Sau bao lần trăn trở cùng với nỗ lực của công ty tìm ra giống cây trồng mới, anh Tuấn là một trong những hộ tiên phong trồng cây ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi bò sữa. Việc chuyển đổi trồng ngô được anh Tuấn thực hiện từ năm 2018, hiện tại vườn ngô của anh mỗi năm cho lợi nhuận trên 350 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng; trở thành một trong những mô hình sản xuất có hiệu quả của công ty, mang lại thu nhập cao.

Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng trong sản xuất, anh Tuấn luôn năng nổ, nhiệt tình trong hoạt động đoàn thể. Anh là một trong những hạt nhân nòng cốt, tiên phong trong công tác tập hợp công nhân thành một khối đoàn kết, thống nhất trong thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế công ty. Ông Phan Quốc Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa, nhận xét: “Anh Tuấn là một trong những người luôn đi đầu trong các phong trào do công ty và công đoàn phát động. Là kỹ sư nông nghiệp, anh được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến bởi sự nhiệt tình, tận tâm trong công việc của mình và của người khác. Những công nhân tiêu biểu như anh Tuấn đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của công ty”.

Nghề cho tôi tự tin hơn trong cuộc sống

Là con gái nhưng từ nhỏ Bùi Thị Cúc đã có tính cách độc lập, mạnh mẽ và đặc biệt học rất giỏi. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, chị nộp hồ sơ xin việc khắp nơi để tìm kiếm cơ hội, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Năm 2010, chị làm kỹ sư xây dựng cho Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa). Nghề đã cho chị gặp được tình yêu, có một gia đình hạnh phúc. Chị nói: “Đến bây giờ tôi vẫn thầm cám ơn nghề đã mang đến cho tôi một tri kỷ, thấu hiểu và cảm thông cho những vất vả của người phụ nữ làm kỹ sư xây dựng”.

Chị Bùi Thị Cúc cùng đồng nghiệp tại công ty.

Theo chị Cúc thì kỹ sư xây dựng là nghề “kén” con gái, cường độ làm việc cao, thường xuyên phải đi công trường. Vì vậy, các chuyên ngành xây dựng rất ít nữ theo học, hoặc có học thì ra trường lại làm trái ngành. Nhưng với chị Cúc, nghề là ước mơ, chị đã phải nỗ lực gấp đôi người khác để biến ước mơ thành hiện thực. Chị thường xuyên đi công trường để học hỏi kinh nghiệm. Công việc ngoài công trường cực kỳ vất vả, chị phải có mặt 24/7 tại công trường để đo đạc, kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhân công, đảm bảo dự án được thực hiện theo đúng biện pháp thi công, tiến độ, vật liệu, an toàn lao động… Như trong lần công ty thực hiện một dự án xây dựng tại huyện Thạch Thành, công trình bị chậm tiến độ, chị được công ty tin tưởng cử đi giải quyết. Bằng kinh nghiệm thực tế nhiều năm, chị nhanh chóng nhìn ra những vướng mắc, khó khăn gây cản trở công trình và đề ra hướng giải quyết hợp lý, giúp công trình thi công theo đúng tiến độ. Được biết, đây chỉ là một trong nhiều ví dụ chứng minh năng lực và tài năng của chị trong công việc. Đến tận bây giờ khi nằm trong ban lãnh đạo công ty, quản lý hàng trăm công nhân nhưng chị Cúc vẫn thường xuyên tăng cường đi công trường. Đồng nghiệp trong công ty vẫn thường bảo “chị giải quyết công việc nhanh như nam giới mà khéo như phụ nữ”.

Nghe những lời khen của mọi người, chị Cúc cười nói: “Kỹ sư xây dựng là nghề tổng hợp của rất nhiều nghề khác nhau như kế toán, ngoại giao, tài chính… muốn làm tốt bắt buộc phải học thêm, phải giỏi những lĩnh vực liên quan. Điều đó không chỉ giúp tôi là một công nhân giỏi trong nghề mà còn tự tin hơn trong cuộc sống”.

Anh Lê Văn Thực, Chủ tịch Công đoàn ngành xây dựng Thanh Hóa, cho biết: “Chị Cúc là một phụ nữ bản lĩnh, tài năng trong ngành. Bên cạnh đó, với vai trò chủ tịch công đoàn công ty, chị chăm lo đời sống vật chất đầy đủ, tinh thần thoải mái cho mọi người, đồng thời tạo khí thế sôi nổi trong các phong trào thi đua sản xuất, giúp công ty gặt hái được nhiều thành công trên lĩnh vực xây dựng”.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/toi-yeu-nghe/27160.htm