Tóm được 2.600 hành tinh lạ, 'thợ săn' của NASA chết giấc

Nhiều bản sao trái đất và siêu trái đất đã được xác định trong số 2.600 hành tinh ngoài Hệ Mặt trời mà Kính viễn vọng không gian Kepler bắt được trước khi nó chết.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa xác nhận "thợ săn hành tinh" hàng đầu của họ - Kính viễn vọng không gian Kepler - đã chết trong quỹ đạo trái đất sau 9 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử.

Kính viễn vọng không gian Kepler - ảnh: NASA

Trong vài tháng trở lại đây, Kepler đã vài lần xảy ra trục trặc và có thời gian gián đoạn hoạt động. NASA đã cố gắng khắc phục nhưng nay nó đã thực sự chết vì cạn kiệt nhiên liệu.

Kính viễn vọng không gian Kepler vừa là một thiết bị quan sát hiện đại vừa là một tàu vũ trụ, được NASA phóng lên vào tháng 3-2009 với nhiệm vụ dự tính là 3,5 năm, mục tiêu chính là tìm ra các "bản sao trái đất" ngoài Hệ Mặt trời. Thợ săn hành tinh này được đặt theo tên nhà thiên văn học danh tiếng người Đức Johannes Kepler , sống vào thế kỷ 17.

Ảnh đồ họa Trappist-1, hệ hành tinh có 7 bản sao trái đất và là một trong những phát hiện vĩ đại nhất của Kepler - ảnh: NASA

Tuy nhiên, "thợ săn hành tinh" này tỏ ra thiện chiến hơn kỳ vọng ban đầu khi hoạt động mạnh mẽ cho đến nay và săn được tổng cộng 2.600 hành tinh xa xôi ngoài hệ mặt trời, trong đó nhiều hành tinh rất có thể tồn tại sự sống ngoài trái đất.

Rất may trước khi Kepler chết, NASA đã kịp phóng lên một "thợ săn hành tinh" hiện đại hơn tên TESS. Thợ săn này đã gửi hình ảnh thử nghiệm đầu tiên về trái đất hồi tháng 5 vừa qua. Với khả năng di chuyển linh hoạt hơn, TESS có tầm quan sát rộng hơn Kepler. TESS có nhiệm vụ tìm về ít nhất 1.600 thế giới ngoài hành tinh trong nhiệm vụ 2 năm.

A. Thư (Theo Space, Daily Mail, NASA)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/khoa-hoc/tom-duoc-2600-hanh-tinh-la-tho-san-cua-nasa-chet-giac-2018103116142735.htm