Tomahawk 'cung khai', Mỹ-NATO lo sốt vó

Tốn kém không thành vấn đề mà quan trọng là kỷ nguyên 'ngoại giao Tomahawk' của Mỹ-NATO nguy cơ sụp đổ.

Tướng Rudskoy phát biểu tại cuộc họp báo công bố tên lửa Tomahawk thu được sau vụ Mỹ không kích Syria. Ảnh: Sputnik

Bất kỳ một loại vũ khí, phương tiện nào khi rơi vào tay đối phương đều mang đến những hệ lụy vô cùng tai hại cho chính ngay bản thân mình. Đặc biệt, với vũ khí công nghệ cao, khi bị địch nắm rõ thông số, tính năng kỹ-chiến thuật…thì sự nguy hại có quy mô, mức độ không lường nổi…

Liên Xô điêu đứng bởi kẻ phản bội Belenko!

Ngày 6/9/1976, phi công máy bay tiêm kích mới MiG-25 của Liên Xô, Victor Belenko đã vượt biên cùng với máy bay. Sau đó, khi máy bay được trở về từ Nhật Bản đến Nga, thì hầu như tất cả các khối điện tử và hệ thống “nhận diện địch ta” biến mất khỏi nó.

Chính thức, tổng số tiền thiệt hại là 11 triệu USD vào thời điểm đó. Trong thực tế, có lẽ nhiều hơn nữa, ngoài các tổn thất có uy tín. Theo dữ liệu không chính thức, thiệt hại lên đến hai tỷ rúp của Liên Xô. Liên Xô phải thay thế tất cả các mã và hệ thống nhận dạng.

Rất may cho Liên Xô là tình huống xảy ra trong thời bình, nếu thời chiến thì sự nguy hại sẽ là cực lớn bởi không thể ngay và luôn quân đội Liên Xô có thể thay đổi tất cả mà buộc lực lượng không quân sẽ phải ngừng hoạt động trong một thời gian nhất định…dù trong “chớp mắt” cũng đủ để đối phương thay đổi thế trận.

Ngày nay, khi vũ khí công nghệ cao phát triển mạnh thì bí mật công nghệ trở nên một yếu tố sống còn có quy mô, cấp độ an ninh quốc gia.

Người Mỹ đã từng đau không thể kêu vì thiệt hại vô cùng lớn trong vụ tháng 12/2011 khi Iran đã “bắt sống” chiếc UAV RQ-170 Sentinel cực kỳ hiện đại. Và sự phát triển thần kỳ UAV của Iran và Nga không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên!

Đương nhiên, trong “cuộc chiến công nghệ” này, Mỹ hy vọng sẽ có nhiều “Belenko”, nhưng thật không may, khi Putin là Tổng thống Nga thì mọi hy vọng của Mỹ trở nên tuyệt vọng.

Tổng thống Putin xuất thân từ KGB, không biết bằng cách nào mà trong một quá trình phát triển “vũ khí siêu nhiên” từ năm 2007 đến lúc Putin tuyên bố (1/3/2018) 6 loại vũ khí mới thì người Mỹ chỉ biết “đứng hình”, “tắt tiếng”. Rằng là “không nghi ngờ”, rằng là đã biết…

Nếu như vụ Belenko, Liên Xô tổn thất 2 tỷ rup (11 triệu USD) thời đó thì việc giữ bí mật vũ khí mới siêu nhiên của Nga đã khiến Mỹ cứ tưởng rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là vô đối, là khả thi…mà không ngờ đổ hàng ngàn, ngàn tỷ USD vào “đống sắt vụn”.

Bắt sống Tomahawk…

Trong loạt phóng 105 quả vào Syria không hiểu sao có 2 quả đến đúng vị trí…đất Syria, nhưng còn nguyên vẹn vì không nổ.

Cứ cho là loại tên lửa cũ, quá đát…như ai đó nói đi, nhưng khi nó được phóng ra từ máy bay, tàu chiến và bay như chim vào vị trí xác định thì có nghĩa là bộ óc, tai, mắt của “chàng Tomahawk” là vẫn chuẩn. Có nghĩa là cơ chế “hành trình” của nó không khác gì với các chàng Tomahawk khác.

Người Nga họ bỏ tiền ra mua 2 loại “phế liệu” này để biết bí mật cơ chế hành trình tồn tại trong 2 “chàng Tom” này là chính chứ Nga không cần nắm bắt công nghệ chế tạo vì Kalibr của họ “đáng yêu” hơn.

Cho đến bây giờ, vẫn chưa biết chính xác 2 “chàng Tom” cùng họ hay khác họ, tức chúng thuộc “sứ giả của Hải Vương” hay “sứ giả của Nhà Trời”. Tin tức truyền thông cho biết chúng khác họ (hải đối đất và không đối đất), nhưng như thế thì, người Nga cố tình bắt sống đúng đối tượng hay chỉ là ăn may?

Cho đến bây giờ và mãi sau này, không ai biết Nga đã được bí mật gì từ 2 chàng Tom này, nhưng vì 2 chàng Tom này đã, đang là lực lượng trụ cột cho kỷ nguyên “đối ngoại Tomahawk” của Mỹ, Anh, Pháp nên dứt khoát Mỹ, Anh, Pháp phải thay đổi tất cả chúng. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch!

Trong trận ngày 14/4, 105 quả Tomahawk “mới, đẹp và thông minh” phóng vào Syria và sau đó được “trưng bày tại Moscow” với lời chú thích: “Quân đội Syria với vũ khí trang bị từ Liên Xô đã bắn hạ 66 quả Tomahawk, chỉ có 22 quả đến được mục tiêu, 2 quả không nổ, còn lại không biết…”

Câu giải thích cho đôi bên phù hợp như sau: Nếu như Nga dùng "bom ngu" từ thời Liên Xô để lại, quăng như đổ đi, vào đầu phiến quân tại Syria thì Mỹ cũng ném hết số Tomahawk tồn kho cũ kỹ này để dùng loại “mới, đẹp, thông minh”, thế thôi.

Không rõ 2 chàng Tom có “khai” gì không, nhưng khi chưa bị bắt, tỷ lệ Tomahawk bị bắn hạ đã trên 50% thì tỷ lệ sẽ bao nhiêu khi Nga khai thác tốt “lời khai”?

Có lẽ, đã đến lúc kết thúc sứ mệnh của “sứ giả thần chết Tomahawk”, kết thúc kỷ nguyên “ngoại giao Tomahawk” dậy sống một thời…

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tomahawk-cung-khai-my-nato-lo-sot-vo-3357168/