Tồn đọng án hành chính do cơ quan hành chính không nghiêm túc

Đến nay, cả nước còn 313 bản án mà Chủ tịch UBND, UBND là người phải thi hành nhưng chưa thi hành xong.

Sáng 4/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác thi hành án năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cho biết, năm 2019, công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Lê Thành Long

Bộ trưởng Lê Thành Long

Không thể cưỡng chế thi hành án hành chính do thiếu cơ chế

Báo cáo cho biết, kết quả tổ chức thi hành các việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn thấp. Còn một số bất cập giữa quy định của pháp luật với thực tiễn thi hành về cơ chế xử lý việc không có điều kiện thi hành; đăng ký, quản lý tài sản, thu nhập; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, chế tài xử lý đối với các trường hợp chống đối chưa tương xứng.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, nguyên nhân chủ yếu của những bất cập trên là do số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao (tăng 97,21% về tiền); số việc, tiền tồn đọng nhiều năm, chưa có điều kiện thi hành ngày càng lớn; nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng giá trị phải thi hành rất lớn nhưng tài sản bảo đảm giá trị quá thấp. Cùng với đó, hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ. Trên 90% các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, có tính chất phức tạp. Năng lực, kỹ năng làm việc của một số Chấp hành viên còn hạn chế; trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ở một số địa phương chưa cao. Công tác phối hợp có nơi, có lúc chưa thực sự hiệu quả.

Về công tác thi hành án hình sự, theo vị tư lệnh ngành, công tác theo dõi quản lý người bị kết án tù được tại ngoại, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù còn hạn chế; công tác giám sát người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn chưa có bước đột phá; một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm thực hiện nhiệm vụ.

Hơn 300 bản án mà Chủ tịch tỉnh, tỉnh phải thi hành

Trình bày Báo cáo thẩm tra công tác thi hành án năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, kết quả thi hành án nhằm thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đạt tỷ lệ thấp và giảm cả về tỷ lệ và số tiền thu được so với cùng kỳ năm 2018. Số vụ việc cưỡng chế thi hành án chưa tương xứng với số án có điều kiện thi hành, dẫn đến số án tồn đọng rất lớn (158.091 việc/96.000 tỷ đồng).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Về Công tác thi hành án hành chính, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, vi phạm trong thi hành án hành chính. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019 đạt thấp, số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, cả nước còn 313 bản án mà Chủ tịch UBND, UBND là người phải thi hành nhưng chưa thi hành xong.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, thậm chí năm sau còn cao hơn so với năm trước, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm.

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, việc tổ chức thi hành án tử hình được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh an toàn, không có trường hợp khiếu nại, tố cáo. Qua giám sát, các địa phương tiếp tục phản ánh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án tử hình, trong đó khó khăn lớn nhất là số lượng lớn người bị kết án tử hình mà bản án đã có hiệu lực nhưng chưa được đưa ra thi hành, gây áp lực đối với công tác quản lý giam giữ đối tượng này./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/ton-dong-an-hanh-chinh-do-co-quan-hanh-chinh-khong-nghiem-tuc-974585.vov