Tôn giáo chân chính

'Hội đồng liên tôn khẳng định Việt Nam không có tự do tôn giáo' là thông tin đang được các đối tượng xấu tích cực rêu rao, lan truyền. Bằng thủ đoạn xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, những kẻ này cố tình tạo cớ để chống phá Đảng, Nhà nước và tìm cách cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.

Từ ngày 15 đến 19-5 vừa qua, đoàn công tác của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) do ông Frederik Davie làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Lợi dụng điều này, một số cá nhân, tổ chức chống đối, bất mãn, suy thoái đã tìm cách tiếp xúc, cung cấp những thông tin lệch lạc, sai trái về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Thậm chí, cái gọi là “Hội đồng liên tôn Việt Nam” còn cho rằng: “Tất cả đại diện năm tôn giáo trong Hội đồng liên tôn đều khẳng định Việt Nam không có tự do tôn giáo”, “phải áp dụng Luật Magnitsky trừng phạt quan chức xâm phạm tự do tôn giáo”, “đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC - Countries of Particular Concern)…

Khi tôn giáo trở thành “tấm áo” cho những mưu đồ bất chính

Là một quốc gia đa tôn giáo, về cơ bản, các tôn giáo luôn gắn bó, đồng hành với dân tộc và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động tôn giáo ở nước ta cũng có dấu hiệu bị biến tướng, lợi dụng vào mục đích xấu. Trong quá trình thực hành tôn giáo, một số người chưa tuân thủ pháp luật; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, thậm chí là núp bóng tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống đối, kích động tín đồ nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị.

Về cái gọi là “Hội đồng liên tôn Việt Nam”, mới nghe thì có vẻ hào nhoáng, mang đậm tinh thần tôn giáo, nhưng thực chất đây chỉ là một tổ chức tự phong, hoạt động bất hợp pháp dưới danh nghĩa tôn giáo. “Hội đồng liên tôn Việt Nam” có trụ sở đặt tại chùa Giác Hoa, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, là tập hợp một số tu sĩ bất mãn, suy thoái trong Công giáo, Cao Đài, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin lành. Trong nhiều năm qua, tổ chức này liên tục đưa ra những thông tin sai trái, lệch lạc về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Thậm chí, họ còn sẵn sàng “rước voi về giày mả tổ”, kêu gọi sự can thiệp của các cá nhân, tổ chức nước ngoài vào công việc nội bộ của đất nước. Những hành động mà “Hội đồng liên tôn Việt Nam” đang thực hiện đã đi ngược lại giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia - dân tộc. Ngày 6-4-2020, Báo Công an nhân dân có bài viết “Sự thật về “Hội đồng liên tôn Việt Nam”” để vạch trần bộ mặt của tổ chức này.

Hiểu đúng về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo của mọi người. Tại Nghị quyết số 24 năm 1990 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo, Đảng xác định quan điểm: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định cụ thể trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp lý khác. Theo đó, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tự do tôn giáo không có nghĩa là vượt lên lợi ích quốc gia - dân tộc. Tất cả tôn giáo phải hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đảng ta đã nhấn mạnh: “Hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo). Không chỉ riêng Việt Nam, tất cả quốc gia đều có những quy định phù hợp để bảo đảm hoạt động tôn giáo không xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện rõ nét trên cả phương diện số lượng lẫn chất lượng. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, nước ta có 16 tôn giáo với 43 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Số lượng tín đồ hiện nay khoảng 27 triệu người, chiếm gần 30% dân số cả nước. Giữa các tôn giáo ở nước ta có truyền thống đoàn kết, tôn trọng, chung sống hòa bình, đan xen với nhau và đã tạo ra một bức tranh sinh động về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, các tôn giáo chân chính đều gắn bó, đồng hành và cùng quần chúng nhân dân làm nên những thắng lợi to lớn. Các hoạt động sinh hoạt tôn giáo ở nước ta diễn ra hết sức đa dạng. Đồng thời, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo trên thế giới. Nhiều sự kiện tôn giáo lớn đã được tổ chức thành công tại Việt Nam, như Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu, Đại lễ kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam…

Suy cho cùng, mỗi tôn giáo dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau nhưng những người Việt Nam theo tôn giáo đều mang trong mình dòng máu đỏ, da vàng, đều có chung tinh thần dân tộc, đều là người Việt Nam. Tôn giáo chỉ có thể phát triển khi đất nước hòa bình, ổn định, độc lập, tự do. Ngược lại, nếu “nước mất” thì “nhà cũng tan”, tôn giáo cũng chẳng có chỗ tồn tại. Bởi vậy, trong quá trình phát triển, một tôn giáo chân chính sẽ luôn luôn nỗ lực, cố gắng để bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trần Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/144541/ton-giao-chan-chinh