Tôn giáo là nguồn lực phát triển đất nước

“Có thể nói, không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo, tín đồ tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam - một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam cùng đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, được pháp luật công nhận”, “Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước”..., đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Buổi gặp mặt được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 9-8, với sự tham dự của: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng... Về phía lãnh đạo TP Đà Nẵng có Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa; Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và gần 150 đại biểu chức sắc, chức việc đại diện cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo trên cả nước...

Các tôn giáo tích cực nhập thế

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp to lớn của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho rằng cuộc gặp trang trọng là minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo, khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn các tổ chức, tín đồ tôn giáo tiếp tục đóng góp nguồn lực là thế mạnh của tôn giáo mình trong sự nghiệp y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và xây dựng đất nước ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đồng thời bày tỏ nguyện vọng của Đảng, Nhà nước để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo nói riêng và phương hướng xây dựng, phát triển đất nước nói chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi, tặng quà các chức sắc tôn giáo.

Với tinh thần sẻ chia, thấu hiểu, cuộc gặp mặt này sẽ càng tác động tích cực đến đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo, thúc đẩy các hoạt động tôn giáo phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân...

Tại buổi gặp mặt, đại diện các chức sắc tôn giáo đều khẳng định, tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Cho rằng các tôn giáo ngày nay đã tích cực nhập thế, hiện diện và có đóng góp trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc; tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp... Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo..., các tôn giáo, tổ chức tôn giáo đã khẳng định đường hướng hoạt động của mình.

Tôn giáo là một nguồn lực phát triển

Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chức sắc, chức việc tôn giáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự đóng góp của các tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua là hết sức to lớn. Khẳng định, với những giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Các chuẩn mực đạo đức tích cực, nhân văn của tôn giáo đã dung nhập vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, ứng xử nhân văn, nhân ái của dân tộc ta.

“Những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của tôn giáo đã góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta. Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Lấy minh chứng việc Phật giáo tổ chức thành công Đại lễ Vesak năm 2019 tại Hà Nam với hàng ngàn đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ; Công giáo tổ chức thành công Tổng hội Dòng Đa minh thế giới tại Đồng Nai, với hàng trăm đại biểu đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ... cho thấy công tác đối ngoại tôn giáo được mở rộng, góp phần giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của Việt Nam với bạn bè thế giới. Thủ tướng khẳng định, đây là thành tựu to lớn, thể hiện sự đóng góp tích cực của các tổ chức tôn giáo với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bày tỏ cảm động và vui mừng khi nghe đại biểu các tôn giáo nói rằng, chưa có quốc gia nào mà lãnh đạo đất nước lại tổ chức gặp mặt đông đủ các vị lãnh đạo các tôn giáo như Việt Nam. Thủ tướng chân thành cảm ơn lời nói tự đáy lòng đó của các vị chức sắc tôn giáo.

Đại lễ Vesak năm 2019 tổ chức tại tỉnh Hà Nam đón tiếp hàng ngàn đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đồng hành cùng với Chính phủ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho biết, cần thẳng thắn, khách quan nhìn nhận, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo hiện tại ở nước ta cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức, cả về chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, nổi lên là việc vẫn còn một số hiện tượng tín ngưỡng mới, tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc của nhân dân. Đâu đó vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Với phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động để phục vụ nhân dân tốt hơn, nói đi đôi với làm, Thủ tướng mong muốn các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ và chính quyền các cấp, gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, hướng dẫn, động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện đúng phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc. Mỗi chức sắc, chức việc, nhà tu hành và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo là một tấm gương để quần chúng tín đồ noi theo, nêu gương giá trị văn hóa từ bi, bác ái, xây dựng mối quan hệ đạo - đời hòa hợp, chung tay cùng nhân dân và chính quyền các cấp xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, đặc biệt các địa phương cần tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về công tác tôn giáo, phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

DOÃN HÙNG

Theo Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng, tính đến tháng 8-2019, Việt Nam có hơn 26 triệu tín đồ với gần 56.000 chức sắc, gần 146.000 chức việc, hơn 29.000 cơ sở thờ tự tôn giáo, khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, 3.000 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa: “Thời gian qua, Cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo hoạt động, đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, góp phần đảm bảo các tôn giáo trên địa bàn thành phố hoạt động theo đúng đường hướng hành đạo, hiến chương, điều lệ của mỗi giáo hội, phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành với dân tộc, ủng hộ công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung, quá trình xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng nói riêng”.

Được biết, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 9 tổ chức tôn giáo, thuộc 6 tôn giáo hoạt động hợp pháp, ổn định với số lượng lớn chức sắc, cơ sở thờ tự và tín đồ.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_210750_ton-giao-la-nguon-luc-phat-trien-dat-nuoc.aspx