Tồn kho xăng dầu nhiều doanh nghiệp vượt mức 90%

Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện mức tồn kho xăng dầu trong nước đang ở mức trên 90% so với quy định.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện mức tồn kho xăng dầu trong nước đang ở mức trên 90% so với quy định.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hiện mức tồn kho xăng dầu trong nước đang ở mức trên 90% so với quy định.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tồn kho của các doanh nghiệp xăng dầu tăng nhanh bất thường thời gian qua một phần do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh trong quãng thời gian thực hiện lệnh cách ly xã hội của Chính phủ. Cùng đó là do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng cường mua vào để tích trữ do mức giá liên tục giảm trong 2 tháng qua.

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tình trạng tồn kho, nhu cầu tiêu dùng giảm cũng khiến các hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn của Việt Nam gặp khó. Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cách đây ít ngày, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị xem xét việc dừng nhập khẩu xăng, dầu để tránh tình trạng tồn kho vượt ngưỡng giới hạn tại các nhà máy.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối là khách hàng của 2 nhà máy lọc dầu của Việt Nam đã có những động thái dừng, giãn, hủy nhận hàng khiến cho việc tồn kho các sản phẩm xăng, dầu tại hai nhà máy luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%, vượt xa mức cho phép.

Tại thời điểm ngày 30/3/2020, tồn kho các sản phẩm (trừ DO) đều vượt ngưỡng nguy cơ vượt giới hạn tồn trữ. Cụ thể, tồn kho dầu thô tại Nhà máy dầu Dung Quất và Nghi Sơn lần lượt là 384,256 m3 và 533,500 m3 với tỷ lệ tồn kho lần lượt là 76% và 64%; tồn kho xăng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 138,242 m3, chiếm tỷ lệ 87%, còn tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là 167,520 m3, chiếm tỷ lệ 81%.

Về tồn kho của các doanh nghiệp cũng như giá dầu xuống quá mạnh, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo và kiến Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp (tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí giai đoạn này.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu PVN cần nghiên cứu, đầu tư công nghệ mới để tái cơ cấu lại các loại sản phẩm của PVN nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm trong chuỗi giá trị dầu khí có giá trị gia tăng cao để bù đắp từng phần cho sự chi phối từ sản phẩm dầu khai thác; tổ chức rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2020. Cùng đó, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/ton-kho-xang-dau-nhieu-doanh-nghiep-vuot-muc-90-1647640.tpo