Tốn như nuôi... bóng đá

Chuyện câu lạc bộ Hà Nội và cuộc hành trình tại sân chơi quốc tế AFC Cup 2019 đang diễn ra là minh chứng rõ nhất cho cuộc chơi vô cùng tốn tiền của bóng đá.

Sau nhiều năm thống trị V-League, sân chơi cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia, đại diện bóng đá Thủ đô bắt đầu tập trung mọi nguồn lực để chinh phục đấu trường châu lục. Và giống như đội tuyển quốc gia, bằng lực lượng trẻ, tài năng cùng nguồn tài chính dồi dào của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch tập đoàn T&T), sau vài mùa không thành công, năm nay Hà Nội FC đã tạo nên những dấu mốc chưa từng có cho bóng đá nước nhà.

Cụ thể, sau khi vô địch khu vực Đông Nam Á, Hà Nội lần đầu tiên giành suất tham dự bán kết liên khu vực AFC Cup và gặp đội bóng đến từ Turmenistan là Altyn Asyr. Trong trận lượt đi diễn ra ở sân Hàng Đẫy vào giữa tuần qua, bằng màn trình diễn siêu đẳng của ngôi sao trẻ Quang Hải, đội bóng Thủ đô có trận thắng ấn tượng 3-2, trận thắng mà theo Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), đã đưa Hà Nội lên hàng đại gia châu lục với những kỷ lục mới: 8 trận bất bại, ghi 31 bàn thắng; đội bóng Việt Nam đầu tiên có 1 trận thắng tại AFC Cup...

Thành công dĩ nhiên đi liền với tiền bạc. Với chức vô địch AFC Cup Đông Nam Á, Hà Nội đã nhận được 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng) tiền thưởng từ AFC. Còn nếu đăng quang ở AFC Cup năm nay, tổng số tiền thưởng mà đại diện Hà Nội nhận được sẽ lên đến con số khủng khiếp 1.980.000 USD (tương đương 46 tỷ đồng). Chưa kể, nếu giành chức vô địch V-League năm nay, Hà Nội "bỏ thêm" vào túi 3 tỷ đồng!

Nhưng để có được số tiền tỷ này, thì chi cũng chẳng hề ít. Dù không công bố chính thức, nhưng theo dân trong nghề mỗi mùa giải, số kinh phí hoạt động của Hà Nội phải lên tới hơn 100 tỷ đồng! Riêng mùa này, với việc vào khá sâu tại sân chơi quốc tế AFC Cup, số tiền bỏ ra chắc chắn còn lớn hơn.

Đâu xa, ngay sau trận bán kết liên khu vực lượt đi trên sân nhà, Hà Nội phải tức tốc lên đường tới Turmenistan để đá trận lượt về vào ngày 27/8 tới trên sân nhà của Altyn Asyr. Hành trình này dự báo lên đến 21 tiếng với 2 chặng bay: Hà Nội - Moscow (Nga) và Moscow - Ashgabat (Turkmenistan) cùng chi phí cực lớn.

Theo đó, chỉ riêng tiền vé máy bay, Hà Nội phải chi thêm 50.000 USD bên cạnh hỗ trợ 40.000 USD (hơn 900 triệu) tiền di chuyển cho mỗi trận làm khách của các đội bóng của AFC. Ngoài ra, Hà Nội phải chi thêm tiền thuê phòng khách sạn với giá 300 USD/phòng/ngày đêm (20 phòng cho 3 đêm) cùng tiền ăn buffet là 100 USD/người...

Tổng chi phí chỉ cho riêng trận đấu này đã ngốn hết phần thưởng mà Hà Nội nhận, nhưng quan trọng hơn, kinh phí chung đều "chui ra" từ túi của bầu Hiển, chứ đội bóng dù hay thế nhưng vẫn chưa kiếm ra tiền nuôi mình. Những bản hợp đồng quảng cáo trên áo đấu, kể cả sân Hàng Đẫy giờ đã đông khách hơn cũng chẳng mang lại là bao nhiêu, thậm chí còn chưa bằng mức mà bầu Hiển vẫn bỏ ra thưởng cho đội bóng.

Không chỉ Hà Nội FC mà ngay cả ở Đội tuyển bóng đá nam quốc gia lúc này sau bao kỳ tích lẫn tiếng vang thì kinh phí hoạt động vẫn cứ là bài toán khó. Đơn cử là việc tái ký hợp đồng nhằm giữ chân ông Park vẫn lần lữa một phần cũng do ngân sách của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hạn hẹp. Rồi lúc này, khi bóng đá nước nhà thành công và tham dự nhiều các giải đấu quốc tế, khi ngân sách cũng chẳng đủ chi, tiền tài trợ, quảng cáo, bán thương hiệu của các đội tuyển cũng chỉ vừa đủ nếu khéo co kéo.

Tóm lại, nuôi môn thể thao “Vua” ở xứ mình cực tốn!

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ton-nhu-nuoi-bong-da-110356.html