Tổn thương dây thần kinh số 7 khi làm đẹp: 'Hiếm gặp'

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Luật – Giảng viên Đại học Y dược TP.HCM cho biết việc tổn thương dây thần kinh số 7 trong phẫu thuật là rất hiếm gặp.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Luật, dây thần kinh số 7 thường rất dễ bị tổn thương, bị liệt. Nguyên nhân có thể do bị trấn thương, bị cảm nhiễm…

Với những trường hợp này thì chỉ cần điều trị nội khoa như châm cứu, tập vật lý trị liệu và dùng thêm thuốc. Tỷ lệ chữa khỏi có thể lên tới 95-100%.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Luật, tỷ lệ tổn thương dây thần kinh số 7 trong phẫu thuật là rất thấp, rất hiếm gặp. Đặc biệt, khi phẫu thuật vùng mặt, các bác sĩ thường rất lưu tâm việc tránh để ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7.

Bà Đ. phải châm cứu kín mặt vì tổn thương dây thân kinh số 7 sau ca phẫu thuật căng da mặt tại BVTM Kangnam

Nếu trong quá trình phẫu thuật đã làm tác động tới dây thần kinh số 7 và khiến nó bị bất hoạt thì cần phải tiền hành đo điện cơ ngay.

Đo điện cơ là công việc rất quan trọng để xác định dây thần kinh số 7 bị đứt hay bị chèn ép, tổn thương…

Nếu xác định dây thần kinh số 7 bị chèn ép thì phải phẫu thuật lại để giải ép. Nếu không phải bị chèn ép mà chỉ bị ảnh hưởng do phù nề sau phẫu thuật thì chỉ cần châm cứu, tập vật lý trị liệu và dùng thuốc để giảm phù nề là sẽ khỏi.

Còn trường hợp dây thần kinh số 7 không còn hoạt động, không còn dẫn truyền được thì không còn khả năng phục hồi.

Cũng theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Luật, ngay cả khi xác định dây thần kinh số 7 không còn khả năng phục hồi thì bệnh nhân vẫn phải điều trị liên tục bằng phương pháp châm cứu, tập thụ động (hình thức tập được thực hiện bởi lực tác động bên ngoài do người tập hoặc các dụng cụ trợ giúp) để chống teo cơ. Ngoài ra người bệnh cần dùng thuốc để sinh cơ. Bởi nếu dây thần kinh số 7 không hoạt động sẽ dẫn đến teo cơ mặt.

BVTM Kangnam bị kiện đòi bồi thường gần 20 tỷ đồng

Liên quan tới vấn đề tổn thương dây thần kinh số 7 khi phẫu thuật làm đẹp, gần đây dự luận xôn xao về vụ việc bà L.Đ. (Việt kiều Châu Âu) thuê luật sư làm các thủ tục khởi kiện Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam (BVTM Kangnam, số 84A Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.HCM) đòi bồi thường gần 20 tỷ đồng vì bị tổn thương dây thần kinh số 7 và biến dạng mặt sau ca phẫu thuật căng da mặt, da trán và cắt mí tại đây vào tháng 4/2016.

Theo đơn khởi kiện, bà Đ. cho biết trước khi phẫu thuật căng da mặt và cắt mí, bà đã yêu cầu các bác sĩ của BVTM Kangnam tư vấn rất kỹ, đồng thời đã được đưa đi làm xét nghiệm và kết quả sức khỏe hoàn toàn tốt, đủ điều kiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Vậy nhưng, bà đã thất vọng hoàn toàn bởi các bác sĩ nơi đây đã làm tổn thương dây thần kinh số 7 của bà. Sau đó bà được BVTM Kangnam gây mê và phẫu thuật thêm 2 lần nữa nhưng vẫn không cải thiện được tình hình mà trở thành một thảm họa.

“Hiện nay, sức khỏe của tôi bị giảm sút rất nhiều, toàn thân bị tê bì và mắt không nhắm kín được, mặt bị lệch hẳn, má trái hõm sâu, trí nhớ bị ảnh hưởng, ăn ngủ không được, sợ gặp mọi người vì xấu hổ và không thể làm việc…", bà Đ. cho biết

Mặc dù BVTM Kangnam đã trả lại tiền viện phí và "hỗ trợ" bà Đ. một khoản tiền nhưng không thấm vào đâu so với số tiền bà đã bỏ ra chữa trị trong suốt mấy năm qua.

Ngày 16/4/2020, trao đổi với Báo Đất Việt, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết đơn khởi kiện của bà Đ. hiện đã được gửi tới TAND TP. Hà Nội.

Về vụ việc này, PV Báo Đất Việt đã liên hệ với lãnh đạo BVTM Kangnam để làm rõ nhiều vấn đề. Tuy nhiên đã gần 20 ngày trôi qua nhưng phía BVTM Kangnam vẫn chưa có phản hồi.

Mạnh Đức

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/ton-thuong-day-than-kinh-so-7-khi-lam-dep-hiem-gap-3400484/