Tổn thương não, IQ thấp và các mối nguy rình rập võ sĩ nhí Muay Thái

Dù được nhiều cơ quan tìm cách cải thiện, sự an toàn của trẻ em và thanh thiếu niên khi tham gia môn võ Muay Thái vẫn là vấn đề đáng lo của xã hội Thái Lan hiện nay.

Dư luận xứ Chùa Vàng dấy lên làn sóng phẫn nộ khi video về trận đấu Muay Thái tại tỉnh Samut Prakan được đăng tải hồi tháng 11 năm ngoái.

Trong video đầy ám ảnh, cậu bé 13 tuổi Anucha Thasako bị đấm liên tiếp vào đầu bởi đối thủ 14 tuổi và lăn ra bất tỉnh trong tiếng reo hò của khán giả.

Ngay sau đó, Anucha được đưa vào bệnh viện điều trị nhưng qua đời sau vài ngày do xuất huyết não.

Nhiều trẻ em ở Thái Lan tham gia Muay Thái từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: AFP.

Nhiều trẻ em ở Thái Lan tham gia Muay Thái từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: AFP.

Cái chết của cậu bé 13 tuổi đã gây chấn động trên toàn thế giới. Nhiều người cho rằng những trận đấu nghiệp dư như Anucha tham gia là một hình thức bạo hành trẻ em.

Đồng thời, dư luận Thái Lan kêu gọi chính phủ ban hành lệnh cấm những trận đấu có trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong nhiều năm qua, một số chuyên gia y tế cao cấp của Thái Lan khẳng định trẻ em nước này phải đối mặt với các mối nguy hiểm nghiêm trọng về sức khỏe khi tham gia thi đấu môn quyền anh Thái.

Đặc biệt, các trận Muay Thái nghiệp dư ngày càng khuyến khích trẻ em chiến đấu mà không có bất kỳ công cụ bảo vệ nào, kể cả mũ bảo hiểm.

"Chấn thương não do đấm bốc có thể ảnh hưởng lâu dài đến hệ thống thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em", Giáo sư Jiraporn Laothamatas - bác sĩ thần kinh học tại Bệnh viện Ramathibodi thuộc Đại học Mahidol ở Bangkok - cho biết trong một cuộc hội thảo.

Cái chết của Anucha như một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội Thái Lan trong việc bảo vệ sự an toàn cho trẻ em. Ảnh: AFP.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Jiraporn đã thực hiện nghiên cứu trên 300 võ sĩ là trẻ em và thanh thiếu niên, nhận thấy các em có chỉ số IQ thấp hơn rõ rệt so với trẻ em ở cùng độ tuổi và cùng điều kiện kinh tế xã hội.

Đây là hậu quả của những cú đấm liên tiếp vào đầu các võ sĩ nhí, trong khi bộ não đang phát triển của trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương.

"Những đứa trẻ chiến đấu trên võ đài thường sẽ kém thông minh hơn những đứa trẻ không phải võ sĩ", ông Jiraporn nhấn mạnh.

Các võ sĩ nhí cũng có nhiều khả năng mắc các chứng rối loạn thần kinh như Alzheimer và Parkinson khi lớn lên.

Các võ sĩ nhí được đưa vào trại để luyện tập với từ rất khi còn rất nhỏ. Ảnh: Aaron Joel Santos.

Sau cái chết của Anucha, những người bảo vệ quyền trẻ em đã ủng hộ dự thảo sửa đổi Đạo luật Quyền anh năm 1999 của Thái Lan, đề xuất nâng giới hạn tuổi tối thiểu cho trẻ em được phép chiến đấu lên 13 tuổi, mặc dù mức giới hạn này cũng không thể cứu được những cậu bé như Anucha, một võ sĩ nhí qua đời khi vừa tròn tuổi 13.

"Môn quyền anh thực sự không phù hợp với bất kỳ lứa tuổi nào cả, nhưng chúng tôi đang tìm cách đảm bảo cân bằng giữa sự an toàn cần thiết và quyền được tham gia bộ môn đấm bốc", bác sĩ Adisak Plitponkarnpim -Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An toàn Trẻ em và Phòng chống thương tích của bệnh viện Ramathibodi - giải thích trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Thái Lan.

Theo ông, trẻ em dưới 12 tuổi nên bị cấm tham gia các cuộc thi Muay Thái.

Hiện, giới hạn độ tuổi là 15 đối với các võ sĩ chuyên nghiệp nhưng trẻ em nhỏ hơn có thể tham gia vào các trận đánh nghiệp dư không có giấy phép.

Nhiều trẻ em trên khắp Thái Lan, đặc biệt là ở nông thôn, bắt đầu chiến đấu trên võ đài ngay từ khi 4-5 tuổi, trước cả khi bắt đầu đi học.

Quỳnh Trang (theo Bangkok Post)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ton-thuong-nao-iq-thap-va-cac-moi-nguy-rinh-rap-vo-si-nhi-muay-thai-post996186.html