Tôn trọng khác biệt, chấp nhận biến đổi

Cùng với những thay đổi của thời đại, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang có nhiều biến đổi, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, toàn diện để bảo tồn và phát huy giá trị thiêng liêng, đích thực của lễ hội.

"Lễ hội của cộng đồng nào hãy để cộng đồng đó thụ hưởng"

Lễ hội Ná Nhèm gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Được phục dựng năm 2012, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá đây là một trong những lễ hội độc đáo, nhiều màu sắc và ấn tượng nhất tại Việt Nam. Rước sinh thực khí nam (tàng thinh) - nữ (mặt nguyệt) là một trong những nghi thức độc đáo tại Lễ hội để cầu may mắn, bình an và sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên, màn rước lễ vật sinh thực khí nam trong Lễ hội Ná Nhèm ngày 15 tháng Giêng vừa qua nhận được nhận xét trái chiều. Có ý kiến nhận xét rước tàng thinh như vậy là dung tục, phản cảm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề đạo đức đối với những biểu tượng trong lễ hội, khi nó nhằm phản ánh ước vọng phồn sinh trong nhân dân.

Lễ hội Lồng Tồng ở Bắc Kạn. Ảnh: dulichvietnam.gov.vn

Lễ hội Lồng Tồng ở Bắc Kạn. Ảnh: dulichvietnam.gov.vn

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hữu Sơn, cần tìm hiểu kỹ càng, tôn trọng nét văn hóa khác biệt của đồng bào các dân tộc ở Việt Nam. Từ xưa đến nay, lễ hội vốn là nơi gửi gắm ước vọng của cư dân nông nghiệp. Tín ngưỡng phồn thực, việc thờ khí thực tồn tại ở nhiều dân tộc, phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của cộng đồng. Lễ hội Ná Nhèm nằm trong chuỗi lễ hội cổ truyền có nguồn gốc như vậy. Điều quan trọng nhất của lễ hội nằm ở phần lễ với những nghi thức thiêng liêng, còn phần hội, rước là minh họa. Bởi vậy, không nên đặt mối quan tâm ngoài ý nghĩa sâu xa của lễ hội, tác động tiêu cực đến quá trình thực hành tín ngưỡng của đồng bào.

“Lễ hội của cộng đồng nào thì hãy để cho cộng đồng đó được thụ hưởng. Các dân tộc khác, các cộng đồng dân tộc khác không nên lấy quan điểm của mình để cấm đoán, chê bai, coi như một hành động xấu”, TS. Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có một thực tế là không ít lễ hội sau khi được phục dựng đã trở nên xa lạ, biến dạng, thậm chí khác xa so với nguyên bản. Nhiều lễ hội được tái hiện không đúng không gian, ít nhiều mang tính trình diễn hơn là thực thi đời sống tín ngưỡng của chính cộng đồng. Việc mở rộng giao thoa, tiếp biến văn hóa với các vùng miền khác đang có xu hướng lấn át, làm mờ văn hóa bản địa, một số giá trị truyền thống của đồng bào không còn lưu giữ được...

Không làm mất đi giá trị đích thực

Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tôn lên bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây cũng là không gian tốt nhất để gìn giữ, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc như hát giao duyên, ném còn, múa khèn, chơi quay, kéo co… Chính những giá trị đặc sắc là yếu tố giúp lễ hội thu hút khách trong nước và quốc tế, là điểm nhấn cho quá trình giao lưu văn hóa và phát triển du lịch trong bối cảnh đất nước hội nhập. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần “thay da đổi thịt” kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Kon Tum…

Trở thành nguồn lực quan trọng, nhưng thực tế khi lễ hội phục vụ du lịch, văn hóa gốc của bản làng lại bị du khách tới từ các cộng đồng bên ngoài hiểu sai, nhất là khi có sự can thiệp quá sâu của truyền thông. Một số lễ hội dân tộc thiểu số được phục dựng chỉ để phục vụ, thu hút khách du lịch, nhiều yếu tố trong lễ hội được làm mới, xa lạ với truyền thống địa phương. Nhiều nét văn hóa lễ hội ngày càng mai một theo sự mất đi của lực lượng nghệ nhân dân gian. Bên cạnh đó, sự chi phối của yếu tố thương mại trong tổ chức lễ hội cũng đang là một rào cản lớn trong quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền và bản sắc dân tộc...

Thách thức lớn đặt ra là làm sao vừa tổ chức tốt lễ hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc, vừa phát huy những tinh hoa của lễ hội, tránh thủ tục lạc hậu, biến tướng, cũng như các vấn đề về giao thông, an ninh trật tự, môi trường… trong bối cảnh lễ hội của dân tộc thiểu số ngày càng mở rộng quy mô. Tôn trọng sự khác biệt nhưng cũng phải chấp nhận biến đổi lễ hội như một quy luật tất yếu trong bối cảnh đời sống xã hội đang có nhiều thay đổi.

TS. Trần Hữu Sơn cho biết, vài năm gần đây, một số lễ hội ở miền núi có xu hướng biến đổi từ lễ hội làng thành lễ hội vùng. Ví dụ, lễ hội Gầu Tào trước kia chỉ ở Phà Long, huyện Mường Khương (Lào Cai), thì nay đã trở thành lễ hội chung của người Mông các huyện miền đông tỉnh Lào Cai, Hà Giang và cả Trung Quốc cũng như Thượng Lào, Bắc Thái Lan… Hay lễ hội Roóng Poọc của người Giáy (Sa Pa, Lào Cai) từ cuối thế kỷ XX trở về trước chỉ là hội làng, vài trăm người tham dự, nhưng nay cũng trở thành lễ hội của vùng...

Sự mở rộng quy mô này kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến công tác tổ chức nhưng quan trọng là thống nhất nhận thức rằng lễ hội thể hiện sự đa dạng văn hóa của tất cả cộng đồng dân tộc, từ đó tránh những việc làm không cần thiết, làm mất đi giá trị đích thực của các lễ hội.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/ton-trong-khac-biet-chap-nhan-bien-doi-i316310/