Tôn vinh đạo học tại Văn miếu Mao Điền

Ngày 24/3, tại Văn miếu Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương diễn ra Lễ khai hội truyền thống Văn miếu Mao Điền, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội truyền thống Văn miếu Mao Điền.

Trong những ngày lễ hội, ngoài những nghi lễ chính thức theo truyền thống, tại Văn miếu diễn ra nhiều hoạt động như: tổ chức Ngày hội sách; thi viết chữ đẹp; thi “Rung chuông vàng”; thi đấu cờ tướng, cờ người; trưng bày chuyên đề “Văn miếu Mao Điền xưa và nay", chuyên đề "Giới thiệu thân thế sự nghiệp Đức thánh Khổng Tử và các vị đại khoa phối thờ tại di tích"; trưng bày chủ đề “Trường thi Hương trấn Hải Dương tại Mao Điền” với các hình ảnh thi cử nho học, thể lệ thi tại khu vực phía đông nhà tiền tế Văn miếu; hoạt động thư pháp, trưng bày triển lãm thư pháp Hán Việt của các nhà thư pháp tỉnh tại gác Chuông sân Bái đường; trưng bày hoa lan; triển lãm sách và trưng bày gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP huyện Cẩm Giàng...

Cắt băng khai mạc Ngày hội sách tại lễ hội.

Văn miếu Mao Điền nằm tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa, nhưng vào thời nhà Mạc đã 4 lần tổ chức thi đại khoa. Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ hai, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám. Triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước.

Gian trưng bày sách tại Văn miếu Mao Điền.

Trong quá trình tồn tại, Văn miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và đất nước. Thời phong kiến, Hải Dương có 644 tiến sĩ nho học (bằng 22,3%), đứng đầu cả nước.

Năm 1992, Văn miếu Mao Điền được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia và được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2017 và trở thành nơi tôn vinh tài năng, công đức của Đức thánh Khổng Tử và các vị đại khoa tiêu biểu của Việt Nam và người tỉnh Đông qua các thời kỳ như: Nhà giáo Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh; Đại danh y Tuệ Tĩnh; Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam Vũ Hữu; Trình quốc công Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ...

Trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Cẩm Giàng tại lễ hội.

Nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của người Xứ Đông, tại Văn miếu Mao Điền, tỉnh Hải Dương đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống bia tiến sĩ gồm 14 bia, có chiều cao 2,65m, rộng 1,25m, dày 25cm. Văn bia biên soạn bằng song ngữ, mặt trước bằng Hán văn, gồm bốn vạn chữ, là văn bia Tiến sĩ dài nhất Việt Nam. Văn bia đề danh, tôn vinh 637 Tiến sĩ trấn Hải Dương, được dựng trong 2 nhà bia. Mỗi vị tiến sĩ được khắc họ tên, năm sinh, năm đỗ, quê quán (cũ, hiện nay) khoa thi, niên hiệu, tóm tắt sự nghiệp. Hoa văn trên bia lấy 4 mẫu hoa văn là thời Trần, Hậu Lê, thời Mạc và thời Nguyễn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ton-vinh-dao-hoc-tai-van-mieu-mao-dien-post801356.html