Tôn vinh những phát minh 'Hai Lúa'

Nông dân sáng chế giúp nông dân

Là một trong những tỉnh có diện tích cây cao-su rất lớn, do đó việc chế tạo ra công cụ như chiếc kiềng sắt đặt bát chứa mủ là khâu không kém phần quan trọng. Lâu nay, để làm được một cái kiềng, phải qua hai máy (cắt, uốn) và qua hai giai đoạn bằng thủ công nên năng suất rất thấp, giá thành cao, độ chính xác không đều. Sau thời gian tìm hiểu, anh nông dân trẻ Nguyễn Thanh Bình (TP Tây Ninh) đã làm hoàn chỉnh được máy sản xuất kiềng để bát mủ cao-su chỉ một công đoạn duy nhất, đó là máy vừa chặt kẽm vừa làm kiềng. Bình cho hay: “So sánh làm thủ công thì máy làm kiềng cho ra sản phẩm nhanh hơn, giảm chi phí nhân công, năng suất 1.140 sản phẩm/giờ”. Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 30 máy đã được bán ra thị trường trong tỉnh, rồi đến Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và sang cả nước bạn Campuchia.

Còn anh Nguyễn Quốc Thái (huyện Hòa Thành) lại nặng lòng với vị mặn của loại muối ớt, muối tôm đặc sản quê nhà. Tuy nhiên, từ thực tế vợ anh phải rang sấy muối bằng tay trên bếp lửa than, trộn muối với nguyên liệu tôm, ớt cũng thủ công nên Thái mày mò chế ra chiếc máy vừa rang sấy vừa trộn muối làm quà tặng vợ. Hình thể của máy là một khối lập phương chứa được 100kg nguyên liệu chạy bằng điện. Cứ trong vòng sáu giờ, máy tiêu tốn 08kW điện và từ 100kg nguyên liệu cho ra 70kg muối đã sấy. Do vừa sấy máy vừa xoay nên tỷ lệ ớt, tôm, muối… sẽ hòa lẫn mịn màng, không còn tốn công trộn, lại hợp vệ sinh. Anh hy vọng sẽ chia sẻ loại máy này cho bà con bán muối quê nhà vì “vợ tôi làm giáo viên mà vẫn có thể một mình đứng trông ba máy, hằng tháng sấy trộn gia công cho bà con cũng lời hơn bảy triệu đồng”.

Như trường hợp nông dân Lê Văn Tuấn (huyện Trảng Bàng) chuyên nghề nuôi trâu nên công việc vận chuyển cỏ từ đồng về nhà thôi thúc anh sáng chế xe tải nhỏ. Chiếc xe mơ ước của anh hình thành sau ba năm miệt mài sản xuất với năm chỗ ngồi, động cơ điện, có gắn cả công nghệ tự động cảnh báo “rẽ phải, rẽ trái”, tốc độ tối đa khoảng 40km/giờ. Xe được trang bị động cơ sử dụng năng lượng gồm một hệ thống truyền động do lực truyền từ một mô-tơ lắp trong ca-pô xe. Để vận hành mô-tơ, anh lắp tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên nóc xe. Tuấn hào hứng: “Bánh xe là của xe lôi máy có lắp thêm bốn thắng đĩa. Gầm xe được thiết kế cao để chạy đường ruộng, bộ khung bằng sắt và hệ thống giảm sốc được thiết kế từ bộ nhíp của xe quân sự đời cũ. Tôi phải bán ba, bốn con trâu thịt để chế con “trâu sắt” này đó”.

Hay anh nông dân Phạm Văn Hùng (huyện Tân Châu) đã tạo ra “giàn bón phân định lượng” với khung bằng sắt hộp chữ nhật chứa thùng phân, bộ phận phân phối bón, bánh xe truyền động và lắp thêm trụ cày, dao cắt. Giàn bón phân này phục vụ cho các loại cây ăn trái có mật độ thưa, cây cao-su… đáp ứng nhu cầu bón phân cách khoảng, tiết kiệm phân, vùi phân xuống đất tăng khả năng hấp thụ cho cây. Ngay sau khi giải cứu cho 20 ha cao-su trồng mới chưa được bón phân (do thiếu nhân công thời vụ), anh Hùng đã được bạn hàng Việt Nam và Campuchia đặt hàng 20 máy.

Hướng tới 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh, năm 2018, có 38 sáng kiến, giải pháp của nông dân Tây Ninh được tôn vinh, đưa vào áp dụng trên thực tế. Bà Dương Thị Thu Hiền, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh cho biết: Các đề tài, giải pháp kỹ thuật mà nông dân Tây Ninh sáng chế đã ứng dụng phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập cho nông dân và tăng giá trị cho xã hội. Chúng ta cần ghi nhận, biểu dương và tôn vinh nông dân có các sáng chế, sáng kiến được áp dụng trong sản xuất, góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đề cao vị thế, vai trò của nông dân trong sản xuất; khích lệ, quảng bá, nhân rộng phát minh của họ…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Minh Tân cho rằng, Tây Ninh có quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp gần 270.000 ha, địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn nên toàn hệ thống chính trị đang ra sức thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, ngày 22-12-2016 của Tỉnh ủy Tây Ninh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Với chủ đề “Dân chủ - đoàn kết - đổi mới - hội nhập - phát triển”, hơn 103 nghìn cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh phải phát huy hết vai trò, chức năng của Hội với đời sống nông dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng sáng tạo-phát minh từ thực tiễn để hướng đến mục tiêu có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn (bao gồm rau quả, trái cây, thịt) được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… vào cuối nhiệm kỳ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/38552102-ton-vinh-nhung-phat-minh-%E2%80%9Chai-lua%E2%80%9D.html