Người dân cần trang bị những gì để đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra?

46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính trên lãnh thổ, thềm lục địa và biển Đông Việt Nam- là nguồn nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa động đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào tại Việt Nam. Do đó, cần trang bị kiến thức và các kỹ năng ứng phó cho người dân.

Ngày 23/11, tại Hội thảo “Tuyên truyền, phố biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho cộng đồng”, do Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, các thảm họa thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và thảm khốc hơn.

Đặc biệt, đối với những khu vực đô thị, cùng với sự phát triển của nền kinh tế là tốc độ phát triển rất nhanh về dân số, cơ sở hạ tầng, điều này khiến cho con người tại đây ngày càng dễ bị tổn thương trước các hiểm họa.

Hội thảo “Tuyên truyền, phố biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho cộng đồng”.

Hội thảo “Tuyên truyền, phố biến kiến thức về động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho cộng đồng”.

TS. Bùi Thị Nhung- nghiên cứu viên chính Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho hay, động đất là một dạng thiên tai tuy không thường xuyên xảy ra như bão, lũ… nhưng những tác hại do động đất mang đến thì vô cùng lớn. Các trận động đất liên tiếp thời gian qua đã tác động đến cuộc sống của người dân như: gây các thiệt hại về tài sản, gây hoang mang, lo sợ cho cộng đồng. Trong khi đó, người dân lại thiếu hiểu biết về các kỹ năng ứng phó, tự bảo vệ bản thân.

"Việc trang bị kiến thức cho người dân trên thế giới đã làm rất tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, cũng có thể là do ở Việt Nam từ trước tới nay chưa có trận động đất nào thực sự lớn, nên thời gian qua sự quan tâm của người dân về loại hình thiên tai cũng không được chú trọng. Tuy vậy, thời gian vừa qua, những trận động đất chúng ta thấy rằng nó đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, thậm chí không chỉ ở vùng tâm chấn, mà còn ảnh hưởng đến những vùng cách xa hàng trăm km. Chính vì vậy, mỗi người dân phải trang bị cho mình những kiến thức để bảo vệ bản thân và người thân là rất quan trọng", TS. Bùi Thị Nhung nói.

Tại Việt Nam, theo ghi nhận của các chuyên gia, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh đã được ghi nhận như: trận động đấy ở Điện Biên (năm 1935) có độ lớn 6,7, hay trận động đất ở Tuần Giáo năm 1983 có độ lớn 6,8. Khu vực Tây Bắc - vùng được đánh giá có mức độ hoạt động động đất mạnh nhất ở nước ta, chỉ tính riêng các trận động đất có độ lớn trên 4,0, hệ thống mạng trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận ở đây hơn 300 trận động đất.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, hiện có tổng cộng 46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính trên lãnh thổ, thềm lục địa và biển Đông Việt Nam- là nguồn nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa động đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống các đập thủy điện khắp lãnh thổ cũng có thể trở thành nguồn gây động đất kích thích. Do đó, cần trang bị kiến thức về động đất và chuẩn bị sẵn sàng các kỹ năng ứng phó cho người dân và cộng đồng để đảm bảo an toàn với động đất tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Xuân Anh- Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu nhấn mạnh: "Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm KH&CN VN thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao thì hiện nay Viện đang vận hành một hệ thống đài-trạm quốc gia về địa chấn, quan trắc động đất. Với hơn 30 trạm phân bổ trên cả nước cùng với các trạm của địa phương thì có khả năng dự báo. Theo quy chế của Chính phủ thì những trận động đất có độ lớn trên 3,5 thì sẽ được thông báo cho toàn bộ các cơ quan quản lý và thông tin báo chí để phục vụ cho việc phòng chống động đất".

Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra. Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở Việt Nam. Hiện, Viện đã lắp đặt và vận hành hệ thống trạm địa chấn quốc gia. Với tổng số 31 trạm được đặt trải dài khắp lãnh thổ và hải đảo của Việt Nam đã đảm bảo phát hiện, xử lý số liệu và báo tin động đất, cảnh báo sóng thần trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và những vùng có nguy cơ gây ảnh hưởng tới Việt Nam một cách kịp thời./.

Một số thông tin người dân cần chú ý khi động đất xảy ra:

1. Nếu đang trong một tòa nhà có kết cấu vững chắc: Quỳ gối xuống dùng tay che đầu, đồng thời chui xuống dưới một cái bàn chắc chắn để trú ẩn và dùng một tay giữ chặt lấy chân bàn. Tuyệt đối không sử dụng thang máy, nếu cần thiết hãy sử dụng thang bộ.

2. Nếu đang ở bên ngoài: Không vào trong các tòa nhà và không chạy xung quanh chúng. Hãy ở yên bên ngoài, di chuyển nhanh tránh các đường dây điện, tòa nhà cao tầng. Cố gắng tìm chỗ trú ẩn an toàn như một khu đất trống.

3. Nếu đang lái xe: Đi chậm lại và tấp xe vào lề đường. Tránh các đường dây điện và các tòa nhà cao tầng. Không cố chui qua hoặc vượt qua những cây cầu vì chúng có thể bị sập. Không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại.

4. Nếu đang trên xe lăn: Khóa bánh xe lại. Che đầu và cổ bằng tay hay bất cứ thứ gì khác sẵn có như sách, chăn hoặc gối và nắm giữa vật che chắn thật chặt.

5. Nếu ở trên một ngọn núi, hoặc ở gần một quả đồi nghiêng dốc: Hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất.

6. Khi đang ở trên biển, hoặc gần bờ biển: Chạy thật nhanh vào sâu trong đất liền, tới vùng đất cao hơn bởi ngay sau đó có thể có sóng thần.

Tạ Lan/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-dan-can-trang-bi-nhung-gi-de-dam-bao-an-toan-khi-dong-dat-xay-ra-906974.vov