Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc

Ngày 13-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề 'Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII' đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự khai mạc còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Tham dự còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra vào thời điểm rất quan trọng. Đây là dịp ngành ngoại giao và đất nước kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng và hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Từ năm 2016 đến nay, tình hình thế giới, khu vực có những chuyển động hết sức nhanh chóng, phức tạp và có những diễn biến mang tính bước ngoặt. Điểm sáng đáng mừng là kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tăng trưởng mới cao hơn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đi đầu về tăng trưởng và liên kết kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhân tố gây bất ổn, rủi ro như: chủ nghĩa bảo hộ, chống toàn cầu hóa, xung đột thương mại, tác động không thuận đến đà phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam; tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực cũng đang có nhiều biến động (như sự điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân túy, thực dụng gia tăng); sự vận động, đấu tranh giữa các trào lưu, xu thế cũ và mới diễn ra hết sức gay gắt; tình hình biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, thách thức an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Phó Thủ tướng đánh giá, ngành ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XII của Đảng, kiên trì về nguyên tắc; kiên định về mục tiêu; chủ động, linh hoạt trong triển khai và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành ngoại giao đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng yếu về đối ngoại mà Đại hội XII của Đảng đề ra, đặc biệt là 2 nhóm nhiệm vụ lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Tại phiên khai mạc, tiếp theo báo cáo công tác của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã có bài phát biểu nhấn mạnh những thành tựu đối ngoại đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đến nay, đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành ngoại giao với các “binh chủng” khác, tạo nên sức mạnh to lớn trên mặt trận đối ngoại thời gian qua. Các phát biểu cũng nêu những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới, khu vực, đề xuất những phương hướng, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trên lĩnh vực đối ngoại, thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XII của Đảng đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, hội nghị lần này là dịp để toàn ngành ngoại giao nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đối ngoại và trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm cho những năm tới; đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và chuẩn bị văn kiện Đại hội XIII của Đảng. (Mời bạn đọc xem toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư trên trang 3 số báo hôm nay 14-8-2018).

Tổng Bí Thư khẳng định, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc… Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ đại hội, ngành ngoại giao phải bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao để tiếp tục triển khai công tác đối ngoại. Các chủ trương, đường lối và nhiệm vụ đối ngoại lớn mà Đại hội XII của Đảng đã thông qua là căn cứ và định hướng quan trọng để đẩy mạnh công tác đối ngoại trong thời gian tới.

THÀNH NAM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-bao-dam-loi-ich-toi-cao-cua-quoc-gia-dan-toc-538798.html