Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải làm đến mức không ai còn dám tham nhũng nữa”

BizLIVE - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp Quốc hội ngày 6/10.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp Quốc hội ngày 6/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận được nhiều thắc mắc, kiến nghị liên quan đến vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo cử tri Nguyễn Hồng Toán - Chủ tịch Hội luật gia quận Tây Hồ, chủ trương chống tham nhũng trong thời gian qua được thực hiện rất quyết liệt, bằng chứng là nhiều vụ án lớn diễn ra đã được xử một cách rất nghiêm khắc với các hình phạt cao nhất như chung thân, tử hình…

Tuy nhiên với hai vụ án lớn diễn ra trong ngành ngân hàng vừa qua, ông Toán cho rằng việc quản lý vốn, nợ công, tín dụng của ngân hàng trong thời gian qua không tốt, dẫn đến tội phạm nghiêm trọng có điều kiện phát triển.

Do vậy, ông Toán cũng kiến nghị phải có quyết sách rõ ràng, quy định chặt chẽ để hạn chế thấp nhất tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng hiện nay. Đồng thời làm rõ vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong các vụ án có “dính” tới ngành ngân hàng.

Còn theo ông Nguyễn Phú Nho (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) thì các cử tri rất đau xót vì trong lúc cuộc sống của người dân còn khổ, Nhà nước đang phải đi vay tiền trả nợ thì lãng phí lại xảy ra.

“Từ làm đường, làm trường, làm chợ hay mua sắm ô tô, kể cả các hội nghị đón huân chương, mừng công mà hoa cứ đầy rẫy, lãng phí không biết đâu mà kể, giá những cái này bớt đi”, ông Nho nói.

Nhắc đến nguyên nhân dẫn đến lãng phí, ông Nho cho rằng do năng lực quản lý, những cũng cần phải nhắc đến vấn đề lợi ích nhóm và một số vấn đề về liên quan đến cơ chế, chính sách chưa phù hợp.

Đáp lại mong mỏi của cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vấn đề chống tham nhũng, lãng phí là một trong những chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước.

“Tham nhũng gây hại ngay cho nền chính trị, kinh tế của đất nước nên Đảng, Nhà nước và người dân rất không đồng tình, không ai bật đèn xanh cho tham nhũng, lãng phí cả. Nhưng nó cũng rất phức tạp nên phải kiên trì, phải làm đến mức không ai còn dám tham nhũng, không ai muốn tham nhũng nữa”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng bí thư, chúng ta muốn làm thật nhanh nhưng trên thực tế lại phải trải qua biết bao nhiêu công đoạn, bao mối quan hệ trong một vụ án phức tạp, nếu không làm cẩn thận lại xảy ra oan sai. Chúng ta kiên quyết nhưng phải tỉnh táo, làm lâu dài bằng nhiều biện pháp, làm sao đánh con chuột nhưng đừng để vỡ bình.

“Việc kê khai tài sản cũng là một biện pháp để phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc này cũng phải xem xét trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là liên quan đến Hiến pháp về quyền sở hữu tài sản, quyền bí mật thông tin cá nhân”, Tổng bí thư cho biết.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết thêm, kỳ họp Quốc hội thứ 8 tới đây là kỳ họp rất “nặng” do khối lượng công việc rất nhiều.

Cụ thể, kỳ họp lần này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua 17 Luật, 3 Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến 12 dự án luật khác mà toàn những luật khó, quan trọng ví dụ Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư… Đồng thời gửi 33 báo cáo khác để đại biểu Quốc hội đọc. Dự kiến, ngày 20/10, Quốc hội sẽ khai mạc và họp kéo dài trong khoảng 40 ngày.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phai-lam-den-muc-khong-ai-con-dam-tham-nhung-nua-478382.html