'Tổng chi về thuốc ở Việt Nam hơn 5 tỷ USD'

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thống kê năm 2017, tổng chi về thuốc ở Việt Nam là hơn 5 tỷ USD. Sản phẩm thuốc trong nước chiếm thị phần khoảng gần 50%. Việt Nam đang có thế mạnh trong công nghiệp vắc-xin.

Nguồn: Internet

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội), cách đây mấy chục năm đất nước đã có thời gian gần như cân bằng về kim ngạch xuất, nhập khẩu về thuốc. Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng ngành công nghiệp dược trở thành ngành kinh tế quan trọng để phát triển, cung cấp thuốc và đặc biệt là xuất khẩu thuốc ra nước ngoài.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng về tiềm năng, thế mạnh lớn để phát triển ngành công nghiệp dược và công nghiệp y tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Năm 2017, tổng chi về thuốc ở Việt Nam là hơn 5 tỷ USD. Việt Nam đang được xếp bậc 2,5 về hạng công nghiệp dược của Việt Nam so với quốc tế, tức là trên 2 và dưới 3 (Về xếp hạng, bậc 4 là cao nhất).

Sản phẩm thuốc trong nước hiện nay chiếm khoảng gần 50% nhu cầu trong nước. Một số sản phẩm của Việt Nam cũng đã có khả năng xuất khẩu, kể cả kháng sinh.

Thế mạnh của Việt Nam là những sản phẩm từ các dược liệu ví dụ như nổi tiếng nhất là thuốc sốt rét từ thanh hao hoa vàng.

Công nghiệp vắc-xin cũng là thế mạnh của Việt Nam. Việt Nam cũng sản xuất được 11/12 vắc-xin như vắc-xin sởi và rubella được y tế thế giới khuyến cáo nên cho xuất khẩu và được công nhận NRA. NRA tức là công nhận quốc tế y tế thế giới về quản lý sản xuất vắc-xin. Trong những ngày gần đây, Bộ Y tế cũng có tin vui là Việt Nam đã sản xuất thành công và sẽ cho cấp phép lưu hành vắc-xin chống bệnh cúm mùa.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, tỷ lệ dùng thuốc nội đã tăng lên, một loạt các điều kiện gần đây nhất là cắt giảm các điều kiện kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm giúp cho điều kiện sản xuất phát triển công nghiệp dược.

Dược dường như không có kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nhưng cũng đồng thời ưu tiên tạo phát triển cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Đây cũng là thế mạnh của ngành dược.

Về hạn chế, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dược phẩm của Việt Nam còn đơn giản về dạng bào chế, chưa sản xuất được nhiều biệt dược và vẫn phải nhập khẩu.

Thêm vào đó, tiếp thị và đặc biệt khoa học quản trị của doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020 sản xuất thuốc trong nước cố gắng đạt được 80% nhu cầu. Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, việc cố gắng sản xuất thuốc trong nước đáp ứng được 80% nhu cầu rất khó, tuy nhiên ngành dược Việt Nam đang nỗ lực.

Bộ Trưởng Bộ Y tế kỳ vọng, trong một tương lai không xa ngành dược sẽ thành công nghiệp mũi nhọn, cùng với công nghiệp vắc-xin.

HỒNG QUÂN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/tong-chi-ve-thuoc-o-viet-nam-hon-5-ty-usd-3477752.html