Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam ước lãi trước thuế 3.130 tỷ đồng

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa tổ chức thành công Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tại hội nghị, VIMC ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022.

Tổng giám đốc VIMC, Nguyễn Cảnh Tĩnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIMC

Tổng giám đốc VIMC, Nguyễn Cảnh Tĩnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIMC

Theo VIMC, trong năm 2022, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển vận chuyển đạt 21,8 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 124 triệu tấn, doanh thu hợp nhất ước đạt 15.041 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.129,5 tỷ đồng (vượt 124% so kế hoạch). Trong đó, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất, ước đạt 1.869 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khối vận tải biển đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường để đàm phán, ký kết được các hợp đồng dài hạn tránh được các biến động giá vận tải của những tháng cuối năm.

Tiếp tục tăng trưởng ổn định và đã phát triển thêm được 7 tuyến dịch vụ container mới về các cảng bao gồm: Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Quy Nhơn, Cảng SSIT, Cảng CICT. Ngoài ra, VIMC đã nghiên cứu, phát triển các tuyến vận tải mới, đã triển khai và thử nghiệm tuyến vận tải container kết nối trực tiếp cảng Cửa Lò với Ấn Độ, Bangladesh, đưa tàu container trọng tải lớn vào cảng Cái Cui – Cần Thơ.

Trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics, VIMC đã phối hợp với hãng tàu container lớn nhất thế giới – MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ TP HCM.

Dù ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng giám đốc VIMC cũng thừa nhận những khó khăn mà ngành vận tải biển bắt đầu phải đối mặt trong năm 2022 như chỉ số thuê tàu hàng của thị trường đi xuống; thị trường tàu container quốc tế, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh; thị trường vận chuyển container nội địa sản lượng hàng hóa luôn ở mức thấp trong khi nguồn cung tàu tuyến nội địa gia tăng; tuổi tàu VIMC cao khó cạnh tranh các hãng tàu nước ngoài.

Trong năm 2023, VIMC nhận định, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hóa, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.

Lĩnh vực cảng biển của Tổng công ty sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý 4/2022.

Với những phân tích này, VIMC đưa ra kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh của năm 2023 bao gồm sản lượng vận tải biển dự kiến 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng.

Mục tiêu của VIMC năm nay là hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm: dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tong-cong-ty-hang-hai-viet-nam-uoc-lai-truoc-thue-3130-ty-dong-post16374.html