Tổng công ty Licogi ghi nhận lỗ hoạt động cốt lõi 37,5 tỷ đồng trong quý III/2022

Tổng công ty Licogi - CTCP (Mã chứng khoán LIC - sàn UPCoM) ghi nhận doanh thu tăng 21,8% và giảm 60,4% trong quý III/2022.

Thoát lỗ quý III nhờ lãi công ty liên doanh, liên kết

Trong quý III/2022, Licogi ghi nhận doanh thu đạt 489,99 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 21,45 tỷ đồng, giảm 60,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,2% về còn 9,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 2,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1,07 tỷ đồng về 47,87 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 94,4%, tương ứng giảm 88,3 tỷ đồng về 5,23 tỷ đồng; chi phí tài chín tăng 132,4%, tương ứng tăng thêm 21,66 tỷ đồng lên 38,02 tỷ đồng; lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lãi 62,49 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 28,8 tỷ đồng, tức tăng thêm 91,29 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 33,4%, tương ứng tăng thêm 11,86 tỷ đồng lên 47,35 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý III, Công ty ghi nhận lỗ 37,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 2,91 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 34,59 tỷ đồng.

Như vậy, Công ty chỉ thoát lỗ trong quý III chủ yếu nhờ ghi nhận lãi từ Công ty liên doanh, liên kết tăng đột biến so với cùng kỳ.

Lỗ lũy kế 482,04 tỷ đồng, bằng 53,6% vốn điều lệ

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.346,53 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 27,8 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Mặc dù ghi nhận lãi trong 9 tháng đầu năm nhưng tới 30/9/2022, Công ty vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 482,04 tỷ đồng, bằng 53,6% vốn điều lệ.

Trong năm 2022, Licogi đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.600,76 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 118,09 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 29,7 tỷ đồng, Công ty mới hoàn 25,2% kế hoạch lợi nhuận năm và cách rất xa kế hoạch lãi 118,09 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Licogi ghi nhận dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm 174,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 434,98 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 234,8 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 215,3 tỷ đồng.

Được biết, từ năm 2016 tới năm 2021, Công ty đã trải qua 5 năm dòng tiền âm, dòng tiền chỉ dương năm 2019 là 22,1 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng vừa trải qua hai năm dòng tiền âm liên tục, năm 2020 ghi nhận âm 32,25 tỷ đồng và năm 2021 ghi nhận âm 434,98 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Licogi giảm 6,7% so với đầu năm về 4.237,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản dở dang dài hạn đạt 1.193,6 tỷ đồng, chiếm 28,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 841,2 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng tài sản; tồn kho đạt 787,8 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 717,6 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 31% so với đầu năm, tương ứng giảm 378,3 tỷ đồng về 841,2 tỷ đồng; tồn kho tăng 11,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 80,3 tỷ đồng lên 787,8 tỷ đồng …

Đối với tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu là 1.169,5 tỷ đồng dự án Khu đô thị Thịnh Liệt.

Các khoản đầu tư tài chính của LIC tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).

Các khoản đầu tư tài chính của LIC tới 30/9/2022 (Nguồn: BCTC).

Điểm đáng lưu ý, danh sách đầu tư tài chính tới 30/9/2022 ghi nhận 59,26 tỷ đồng, trích lập 14,68 tỷ đồng, bằng 24,8% tổng danh mục. Trong đó, chủ yếu ghi nhận đầu tư 25 tỷ đồng vào CTCP Licogi 13 (mã LIG – sàn HNX), trích lập dự phòng 9,78 tỷ đồng; đầu tư 7,9 tỷ đồng vào CTCP Licogi 12 (mã L12 – sàn UPCoM), trích lập dự phòng 4,55 tỷ đồng …

Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 215,2 tỷ đồng so với đầu năm về 1.864,7 tỷ đồng và chiếm 44% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 45,8% tổng nguồn vốn).

Thêm nữa, tính tới cuối quý III, cơ cấu cổ đông chủ yếu Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu 40,71% vốn điều lệ; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Khu đông sở hữu 35% vốn điều lệ; và còn lại 24,29% thuộc về các cổ đông khác.

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ Báo cáo tài chính bán niên năm 2022

Trong Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế. Trong đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra cơ sở cho ý kiến ngoại trừ.

Đối với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, tính đến thời điểm 1/1/2022, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế 393,1 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Licogi tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” là 1,4 tỷ đồng. Theo đó, tổng giá trị chi phí lãi vay đã được vốn hóa lũy kế đến 30/6/2022 là 394,5 tỷ đồng.

Vì dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài nên Kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án này theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - chi phí đi vay.

Đến thời điểm 1/1/2021, Licogi đã vốn hóa một phần lãi vay của các hợp đồng vay giải ngân với mục đích tài trợ cho dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt là 72,99 tỷ đồng vào khoản mục “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn”, Bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ tại thời điểm 1/1/2022, chỉ tiêu “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” phản ánh cao hơn số tiền 72,99 tỷ đồng và chỉ tiêu “lỗ lũy kế đến cuối năm trước” phản ánh thấp hơn số tiền tương đương.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Licogi đã ghi nhận khoản chi phí lãi vay này vào chỉ tiêu “chi phí tài chính” trên Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất giữa niên độ là 72,99 tỷ đồng.

Theo đó, trên báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu “chi phí tài chính” đang phản ảnh cao hơn chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” phản ảnh thấp hơn số tiền tương ứng.

Đối với các khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, kiểm toán cho biết tại thời điểm 1/1/2022 và 30/6/2022, các công ty con của Licogi đang ghi nhận một số khoản phải thu mà kiểm toán viên không đánh giá được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ cũng như đánh giá tổn thất của các khoản nợ phải thu này.

Trong đó, phải thu tại CTCP Licogi 15 là 89,2 tỷ đồng; CTCP Lắp máy Điện nước – Licogi 10,5 tỷ đồng; CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 là 81,3 tỷ đồng; và CTCP Licogi 10 là 23,2 tỷ đồng.

Đối với các khoản công nợ phải trả, tại ngày 1/1/2022 và 30/6/2022, tại các công ty con của Licogi đang ghi nhận một số khoản nợ phải trả, nhưng kiểm toán không thể thu thập được các tài liệu cần thiết để xác định được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ của các khoản nợ phải trả này.

Trong đó, các khoản công nợ phải trả chủ yếu 109,56 tỷ đồng tại CTCP Licogi 15; 0,9 tỷ đồng tại CTCP Lắp máy Điện nước – Licogi; 182,4 tỷ đồng tại CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20; và 42,8 tỷ đồng tại CTCP Licogi 10.

Ngoài ra kiểm toán nhấn mạnh: “Tại thời điểm 30/6/2022, lỗ lũy kế của Licogi là 599,95 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền là 1.174,67 tỷ đồng. Do đó, khả năng hoạt động liên tục của Licogi sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ các chủ sở hữu, đối tác … Những điều kiện này cùng những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trong yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Licogi".

Nhận hai Quyết định xử phạt về thuế

Cụ thể, ngày 30/8/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội ra Quyết định về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế đối với Licogi.

Trong đó, Licogi đã có hành vi về giá trị gia tăng khi kê khai sai các chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT; kê khai khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh; Công ty kê khai thiếu doanh thu tính thuế GTGT. Công ty chưa thực hiện theo quy định tại Điều 9, chương II Thông tư 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011; Điều 10, chương II Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013; Điều 15, mục 1, chương III, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013; Điều 8, mục I, chương II, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Công ty hạch toán chi phí mua hóa đơn hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh.

Như vậy, tổng số tiền thuế thiếu, tiền chậm nộp là 276,97 triệu đồng.

Ngày 5/9/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Licogi.

Trong đó, về thuế GTGT, Công ty kê khai khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn mua hàng hóa dịch của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh; kê khai chỉ tiêu 39 đối với phần thuế GTGT đã nộp của hoạt động kinh doanh xây dựng cùng tỉnh, thành phố trực thuộc; kê khai thiếu doanh thu phí sử dụng vốn vay, doanh thu chuyển nhượng chứng khoán; không phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ cho doanh thu không chịu thuế; kê khai thuế GTGT mua vào đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên tờ khai 02/GTGT.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Công ty hạch toán chi phí mua hóa đơn hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh; hạch toán chi phí tiền lương không đúng quy định; trích lập các khoản mục chi phí; dự phòng bảo hành, dự phòng nợ phải thu khó đòi không đủ hồ sơ theo quy định …

Tổng số tiền bị phạt là 234,68 triệu đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/11, cổ phiếu LIC giảm 400 đồng về 16.400 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tong-cong-ty-licogi-ghi-nhan-lo-hoat-dong-cot-loi-375-ty-dong-trong-quy-iii2022-d177147.html