Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai nhiệm vụ năm 2023

Ngày 17/1/2023 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Lê Tấn Dũng; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ: Cục Việc làm, Cục An toàn lao động, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Công nghệ Thông tin. Dự Hội nghị có Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, các đồng chí Phó tổng cục trưởng cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị của Tổng cục, toàn thể công chức, viên chức của Tổng cục. Hội nghị được triển khai bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nêu rõ: Năm 2022 là năm có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, chỉ thị về giáo dục nghề nghiệp. Mô hình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp được duy trì, tuyển sinh được chú trọng, chất lượng đào tạo được nâng cao, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức, sắp xếp có hệ thống. Các Vụ, đơn vị trong Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp, vận hành với các cơ quan đơn vị liên quan rất tốt.

Tuy nhiên còn khá nhiều khó khăn thách thức: Tình hình thế giới, quốc tế xảy ra chiến sự nên nguồn đầu tư giảm, phục hồi kinh tế chậm, lạm phát tăng cao, thị trường lao động bị ảnh hưởng lớn nhưng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm 2023, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần: (i) Quyết liệt, chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ, Chính phủ xây dựng văn bản, đề án, chính sách, chiến lược về giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện tốt Nghị quyết 06 và các chương trình mục tiêu quốc gia. (ii) Nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền, tuyển sinh. Tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi. (iii) Thực hiện tốt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp các trường của các Bộ chuyển về. (iv) Tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục hồi, phát triển kinh tế.

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 Phó Tổng cục trưởng thường trực Đỗ Năng Khánh cho biết:

Về kết quả tuyển sinh: Năm 2022, cả nước tuyển sinh được 2.259.140 người, đạt 108.3% so với kế hoạch. Kết quả tốt nghiệp: 2.096.000 người, đạt 115% so với kế hoạch

Về mạng lưới cơ sở GDNN

Tính đến 31/12/2022, cả nước có 1.905 cơ sở GDNN (tăng 01 cơ sở so với năm 2021), trong đó: 410 trường cao đẳng (96 trường ngoài công lập, chiếm 23,4%), tăng 03 cơ sở so với năm 2021, có 437 trường trung cấp (229 trường ngoài công lập, chiếm 52,4%), giảm 02 cơ sở so với năm 2021, có 1.058 trung tâm GDNN (358 trung tâm GDNN ngoài công lập, chiếm 33,8%). Tổng số cơ sở GDNN ngoài công lập là 683 cơ sở, chiếm 35,8%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ.

Công tác xây dựng văn bản

Công tác xây dựng văn bản, chính sách về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được hoàn thiện đã tham mưu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Ban Bí thư Chỉ thị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới". Hoàn thiện các đề án giai đoạn đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam…

Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 06/4/2022, về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 9 Thông tư trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, gắn kết doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; tổ chức thành công các sự kiện của năm 2022

Tập trung triển khai Quyết định số 534/QĐ-LĐTBXH ngày 7/5/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt Kế hoạch truyền thông giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục phát triển không gian truyền thông, hệ sinh thái truyền thông GDNN. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức của người học, gia đình, xã hội và doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông cho các sự kiện, hoạt động về GDNN.

Tổ chức nhiều hội thi, sự kiện lớn và đạt được kết quả, hiệu ứng tốt đối với toàn hệ thống GDNN và xã hội, cụ thể: tham dự Kỳ thi KNN thế giới năm 2022 phiên bản đặc biệt và giành được hai Huy chương bạc ở các nội dung phay CNC và tiện CNC (thành tích cao nhất từ trước tới nay của Đoàn Việt Nam ở đấu trường thế giới); tổ chức Kỳ thi KNN quốc gia lần thứ 12 đối với các nghề thi trực tiếp; tổ chức chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10 kết hợp với tôn vinh, khen thưởng đối với 54 nhà giáo GNN tiêu biểu và 100 HSSV GDNN xuất sắc, tiêu biểu năm 2022. Tổ chức Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm lần thứ XII năm 2022; tổ chức Chung kết Cuộc thi Startup Kite 2022; phối hợp với Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên năm 2022” với chủ đề “Chuyển đổi số trong tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm”; ...

Công tác khởi nghiệp trong GDNN được chú trọng. Nhiều hoạt động tạo sân chơi cho HSSV GDNN tham gia khởi nghiệp được tổ chức. Nội dung khởi nghiệp sáng tạo được đưa vào chương trình giảng dạy. Tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp quốc gia trong HSSV GDNN.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong GDNN

Rà soát đánh giá các quy định của Luật GDNN; bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư trong lĩnh vực GDNN; triển khai, vận hành và sử dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính. Đôn đốc triển khai thực hiện, tiếp nhận hồ sơ đăng ký giải quyết qua dịch vụ công đối với 14 thủ tục hành chính; chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh cập nhật dữ liệu vào phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu, trang văn bằng, trang tuyển sinh và ứng dụng Chọn nghề...

Trình Bộ ban hành Kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số trong GDNN. Hướng dẫn các địa phương và cơ sở GDNN triển khai và xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.

Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác quốc tế và triển khai các dự án ODA

Năm 2022 ký kết các Thỏa thuận hợp tác quan trọng, đặc biệt là Bản ghi nhớ cấp Chính phủ trong lĩnh vực GDNN giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Thỏa thuận Hợp tác về GDNN với Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Singapore tới Việt Nam. Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Hội đồng GDNN ASEAN. Tiếp, làm việc với khoảng 60 đoàn khách quốc tế và tham gia các hội nghị, hội thảo, cuộc họp trong và ngoài nước để chia sẻ về hệ thống GDNN của Việt Nam. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình GDNN của các nước có hệ thống GDNN phát triển cho đội ngũ cán bộ, công chức. Chủ trì, phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác với các tổ chức song phương, đa phương. Tăng cường các hoạt động thông tin đối ngoại để thu hút nguồn lực và truyền thông về GDNN Việt

Nam thông qua việc xây dựng các ấn phẩm truyền thông và tham gia mạng lưới GDNN quốc tế.Phê duyệt, quản lý, triển khai 05 Dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật; tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án đang tham gia với tư cách thành viên . Xây dựng, trình phê duyệt văn kiện 06 dự án mới.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phương hướng nhiệm vụ năm 2023

Chỉ tiêu- Tuyển sinh: 2.295.000 người, đạt 110% so với kế hoạch năm 2022 (trình độ cao đẳng, trung cấp: 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.765.000 người).- Tốt nghiệp: 2.043.000 người, đạt 112% so với kế hoạch năm 2022 (trình độ cao đẳng, trung cấp: 346.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.697.000 người).- Nâng xếp hạng chỉ số chất lượng đào tạo nghề lên ít nhất 5 bậc- Mạng lưới cơ sở GDNN: dự kiến có khoảng 1.867 cơ sở GDNN (trong đó: 399 trường cao đẳng; 410 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN), số cơ sở GDNN công lập là: 1.177 cơ sở, giảm 1,7% so với năm 2022.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

(1) Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN. Chú trọng xây dựng, trình ban hành các văn bản, đề án quan trọng và các văn bản, đề án khác theo kế hoạch. Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn Luật GDNN, Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm. Tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong GDNN, khuyến khích phát triển GDNN, phát triển đánh giá kỹ năng nghề, hỗ trợ các nhóm yếu thế khi tham gia học nghề.

(2) Kiện toàn cơ cấu, tổ chức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về GDNN. Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị cơ sở GDNN góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động.

(3) Tiếp tục triển khai thực hiện việc tiếp nhận các cơ sở GDNN trực thuộc các bộ, ngành. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW. Triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(4) Tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo đạt chỉ tiêu theo kế hoạch. Tập trung cho đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài và nhân rộng trong cả nước.

(5) Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN. Triển khai Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ GDNN giai đoạn 2021-2025 và Chỉ số nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

(6) Triển khai và hướng dẫn hoạt động chuyển đổi số trong GDNN theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Bộ phê duyệt. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

(7) Tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Phát triển các hội đồng kỹ năng ngành; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp trong giám sát, phản biện chính sách về GDNN. Đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm.

(8) Tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho GDNN. Tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương và cơ sở GDNN triển khai hiệu quả các Tiểu dự án, nội dung về GDNN thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

(9) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy hợp tác quốc tế; tham gia vào các diễn đàn nghiên cứu GDNN, chia sẻ các mô hình và thực tiễn điển hình GDNN trên thế giới, hỗ trợ tích cực cho công tác chuyên môn

(10) Đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả công tác GDNN, nâng cao vai trò, vị thế, hình ảnh của GDNN.

PV

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/tong-cuc-giao-duc-nghe-nghiep-trien-khai-nhiem-vu-nam-2023-20230120052456.htm