Tổng cục Hải quan chủ động gỡ vướng về chứng nhận xuất xứ

Để tạo điều kiện cho hoạt động XNK của DN, Tổng cục Hải quan đã chủ động giải đáp nhiều vướng mắc liên quan đến Chứng nhận xuất xứ (C/O).

Hoạt động cấp C/O tại VCCI. Ảnh: H.Dịu.

Hoạt động cấp C/O tại VCCI. Ảnh: H.Dịu.

Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris thắc mắc, hiện nay, DN có 6 C/O ưu đãi được xác minh từ năm 2015 đến nay vẫn chưa có kết quả xác minh từ Tổng cục Hải quan. DN đề nghị, đối với các trường hợp xác minh C/O, Tổng cục Hải quan có thể cung cấp cho DN biết: “Số Công hàm/công văn từ Tổng cục Hải quan gửi cho nước cấp C/O cũng như địa chỉ nơi nhận mà công hàm gửi xác minh” để DN có thể chủ động hơn trong việc xác minh C/O.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, theo phản ánh của DN, có 6 C/O ưu đãi được được xác minh từ năm 2015 đến nay chưa có kết quả. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hải quan Cần Thơ tại công văn số 765/HQCT-NV ngày 17/5/2019 thì Hải quan Cần Thơ đề nghị xác minh 5 C/O nhưng chưa có kết quả.

Đối với 5 C/O chưa có kết quả xác minh này, ngày 6/9/2019, Tổng cục Hải quan đã có công hàm số VN-06918/D-PL nhắc lại (lần 2) đề nghị xác minh gửi cơ quan có thẩm quyền của Philippines. Theo đó, địa chỉ Tổng cục Hải quan gửi đến: 1. Export Coordination Division Assessment And Operation Coordinating Group.

Bureau of Cusstoms Export Coordination Division Office of the Commissioner 14th Street, Port Area, Manila

2. Assessment And Operation Coordinating Group Bureau of Cusstoms Department of Finance 3/F POM Building Gate 3, South Harbor, Port Area Manila, Philippines 1000.

Một số DN nêu thắc mắc thời gian xử lý C/O mẫu E và một số form khác mà Hải quan yêu cầu đưa đi xác minh quá lâu.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp có thông tin nghi ngờ về tính xác thực của C/O, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành xác minh C/O theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Thông tư 38/2018/TT-BTC. Việc xác minh sẽ do Tổng cục Hải quan thực hiện, trên cơ sở hồ sơ và báo cáo của cục hải quan địa phương.

Khi nhận được kết quả xác minh từ cơ quan có thẩm quyền cấp C/O, cơ quan Hải quan sẽ thông báo ngay cho DN được biết. Việc thông báo kết quả xác minh C/O sớm hay chậm phụ thuộc vào thời gian nhận kết quả xác minh từ cơ quan có thẩm quyền cấp C/O, cụ thể là các cơ quan cấp C/O của Trung Quốc đối với C/O mẫu E.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 6 Điều 19 Thông tư 38/2018/TT-BTC, quá trình xác minh được thực hiện trong thời hạn không quá 180 ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi văn bản đề nghị xác minh.

Đối với các trường hợp C/O gửi đi xác minh đã quá thời hạn xác minh, hai quan địa phương sẽ báo cáo Tổng cục Hải quan và thông báo cho DN được biết ngay khi nhận được văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Một số DN cũng cho rằng, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN quy định C/O form D có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày cấp và phải được nộp cho cơ quan Hải quan nước thành viên NK trong thời hạn đó. Tuy nhiên, theo quy định của Hải quan Việt Nam, DN chỉ được nợ C/O form D trong vòng 30 ngày kể từ ngày khai hải quan. DN hỏi, vì sao lại có sự khác biệt về thời hạn nộp C/O như vậy?

Liên quan đến vấn đề DN hỏi, theo Tổng cục Hải quan, tại Khoản 1 Điều 14 Phụ lục VII Thông tư 22/2016/TT-BCT ngày 3/10/2016 của Bộ Công Thương quy định về thời hạn hiệu lực của C/O; tại Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính quy định về thời điểm nộp C/O để hưởng ưu đãi thuế quan.

Tổng cục Hải quan cho rằng, đây là 2 khái niệm khác nhau, theo đó người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt thì phải nộp cho cơ quan Hải quan chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) còn thời hạn hiệu lực (12 tháng) tại thời điểm làm thủ tục hải quan quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC (thời hạn 30 ngày).

Một số DN đề nghị, cơ quan Hải quan cập nhật và thống nhất HS code giữa Hiệp định và Biểu thuế ưu đãi; cơ quan Hải quan nên linh động giải quyết trong vấn đề này, không thể để DN bị động vì sự việc này nằm ngoài tầm giải quyết của DN.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho rằng, căn cứ Điều 5 Luật Hải quan 2014 quy định về Áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến hải quan; căn cứ quy định tại Điều 4 Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày của Chính phủ; căn cứ Khoản 2 Phụ lục 2 Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT ngày 8/12/2008 của Bộ Công Thương ban hành Quy chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Mẫu AJ để hưởng các ưu đãi theo Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản thì Phụ lục này dựa trên cơ sở Hệ thống Hài hòa đã được sửa đổi ngày 1/1/2002.

Tổng cục Hải quan cho rằng, theo các quy định này, Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT đến nay vẫn còn hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc khai báo mã HS trên C/O form AJ là mã HS (2007, 2012) của nước NK (theo trình bày của DN) vẫn không trái với quy định. Do đó, trường hợp mã HS trên C/O mẫu AJ theo hệ thống hài hòa năm 2007, 2012 khác với mã HS theo khai báo trên tờ khai thì có thể xem là trường hợp khác biệt nhỏ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O nếu sự khác biệt mã số trên C/O với mã số trên tờ khai hàng hóa NK nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa và hàng hóa thực tế NK phải phù hợp với mô tả hàng hóa trên C/O quy định tại Điểm h Khoản 6 Điều 15 Thông tư 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

DN phản ánh việc xác minh C/O ưu đãi quá lâu.

Tổng cục Hải quan cho biết, việc xác minh C/O thực hiện theo quy định tại các Hiệp định. Tuy nhiên, trên thực tế, một số nước thành viên có chậm trễ trong việc yêu cầu trả lời xác minh. Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết như đôn đốc trả lời hoặc từ chối C/O do quá thời hạn xác minh theo quy định.

Đ.L

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tong-cuc-hai-quan-chu-dong-go-vuong-ve-chung-nhan-xuat-xu-117691-117691.html