Tổng cục QLTT - 'Nước xa có cứu được lửa gần'?: Hệ lụy khi 'tay' không đủ dài…

Việc đưa các Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) từ địa phương về Bộ Công thương khiến nhiều người quan ngại 'cánh tay' của Tổng cục sẽ không đủ dài để 'với' tới các tỉnh, thành khi có sự vụ cần xử lý, điều hành. Thậm chí, một số ý kiến lo lắng nếu không có cách thức hợp lý dễ dẫn tới nguy cơ buông lỏng quản lý.

Sau vụ Con Cưng đầy “ồn ào”, Cục QLTT bị rà soát lại hoạt động công vụ

Sau vụ Con Cưng đầy “ồn ào”, Cục QLTT bị rà soát lại hoạt động công vụ

Làm gì khi thông tin bị bưng bít?

Đại diện lực lượng QLTT cấp tỉnh tại nhiều địa phương bày tỏ sự băn khoăn về mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với các Cục QLTT tại các tỉnh trong tương lai sẽ như thế nào khi đơn vị này không còn trong “vòng tay” của các tỉnh, thành?

Chưa hết, một số ý kiến khác còn cho rằng, khi ở các tỉnh thành lập Cục và các Cục này trực tiếp chịu sự giám sát, chỉ đạo của Tổng cục QLTT, trong khi Tổng cục thuộc Bộ Công Thương, trụ sở ở Hà Nội khá xa địa bàn nên dễ phát sinh tiêu cực hoặc kiểm soát tính đúng đắn trong quá trình thực thi công vụ của lực lượng QLTT, nhất là những địa bàn phức tạp như thành phố lớn, khu vực biên giới có hoạt động thương mại nhộn nhịp.

“Nước xa có cứu được lửa gần?” là câu hỏi mà dư luận và những người từng có nhiều năm công tác trong ngành này đặt ra đối với một số tình huống sau khi Tổng cục này đi vào hoạt động. Cụ thể việc này, một cựu lãnh đạo Cục QLTT (đề nghị ẩn danh) lưu ý “quản lý nhà nước về thương mại thì gắn với người bán hàng. Còn ở địa bàn, lực lượng gắn chặt nhất với đối tượng này là chính quyền địa phương”.

Rõ ràng, khi không nắm sát địa bàn, Tổng cục QLTT sẽ khó bề quản lý được thị trường ở địa phương. Bởi ví dụ, khi xảy tình huống cần xử lý, nếu lực lượng QLTT ở địa phương bưng bít, Tổng cục ở trên, lại xa - liệu có thể phát hiện, giải quyết hoặc chấn chỉnh lực lượng của mình một cách kịp thời? Theo mô hình cũ trước đây thì các Sở Công Thương với vai trò là chủ quản lĩnh vực này trên địa hạt của mình sẽ nhanh chóng tiếp nhận thông tin và can thiệp một cách kịp thời chí ít vì các Sở có lợi thế về khoảng cách địa lý…

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn từng chia sẻ với PLVN rằng, lúc đầu lãnh đạo tỉnh này cũng có ý kiến khi nâng quy mô lên thành Cục thì Cục QLTT nên trực thuộc tỉnh, để gắn sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền địa phương. Nhưng mô hình sắp tới đây trao quyền cho cấp TƯ. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, tránh buông lỏng…, theo vị này, giữa tỉnh với Tổng cục QLTT tới đây cần có những Quy chế phối hợp để hoạt động của lực lượng QLTT vẫn duy trì được sự ổn định dù có biến động đầu mối quản lý.

Cùng chung quan điểm trên, một cựu lãnh đạo Cục QLTT cũng cho rằng, cách tốt nhất mà Tổng cục QLTT có thể làm chính là tạo dựng mối quan hệ phối hợp với UBND cấp tỉnh để có thêm những “cánh tay nối dài” tại các địa phương, tạo nên một kênh giám sát đối với lực lượng công chức QLTT ở cơ sở, hạn chế tiêu cực.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Ban Cán sự Đảng Bộ này đã có Nghị quyết, phân công làm việc với chính quyền các tỉnh, thành để trao đổi, phối hợp khi mô hình mới chính thức “ra đời”.

Tổng cục “ngốn” 50% kinh phí của Bộ!?

Được biết, trong quá trình bàn giao công việc giữa Sở Công Thương các tỉnh và lực lượng QLTT cũng nảy sinh nhiều quan ngại. Đầu tiên là việc chuyển giao tài sản như thế nào, nguồn kinh phí đầu tư và hoạt động của lực lượng này cụ thể ra sao khi về thuộc Tổng cục.

Thêm nữa, việc bàn giao nguyên trạng cơ sở vật chất cũng khiến nhiều đại diện QLTT ở địa phương băn khoăn khi nhiều công trình còn dang dở, tỉnh đang và sẽ dự kiến cấp kinh phí đầu tư, xây dựng sẽ phải xử lý như thế nào? Trong khi đó, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, việc bàn giao công việc sẽ hoàn thành trước ngày 12/10/2018 nhưng việc xử lý những vướng mắc về kinh phí sẽ kéo dài hơn, đến hết năm 2018 nhằm đảm bảo tất cả nguồn tài chính của các Cục QLTT địa phương “về 0 đồng” vào thời điểm 1/1/2019.

Ngoài chuyện tài sản, việc xử lý nguồn kinh phí thu được sau những quyết định xử lý vi phạm hành chính sẽ ra được giải quyết ra sao cũng là vấn đề lực lượng QLTT đang quan tâm. Xung quanh chi tiết này, đại diện lãnh đạo QLTT tỉnh Quảng Ninh cho hay, hiện tại kinh phí hoạt động của Chi cục đang được tỉnh bố trí. Ngoài ra, số tiền thu từ hoạt động chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại sau khi trừ các khoản theo quy định, tỉnh điều tiết lại cho Chi cục QLTT toàn bộ số thu này.

Theo đó, mỗi năm Chi cục QLTT Quảng Ninh được cấp khoảng 14 - 15 tỷ đồng mua sắm vật tư, tàu thuyền... phục vụ hoạt động nghiệp vụ. “Sắp tới, khi trực thuộc Tổng cục không biết tỉnh có bố trí khoản này nữa hay không?”, vị này băn khoăn.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng - Chi cục QLTT Thanh Hóa cũng nêu thực tế, hiện UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn để lại toàn bộ kinh phí chống gian lận thương mại cho lực lượng QLTT, mỗi năm chừng 20 tỷ đồng. Nếu chuyển về Tổng cục thì có được cấp nữa không? Nếu vẫn được thì Tổng cục QLTT thì sẽ xử lý nguồn này như thế nào?

Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) Vũ Quốc Anh cho hay, theo quy định, các Chi cục QLTT sẽ được bàn giao nguyên trạng về Bộ Công Thương. Chi cục QLTT sẽ sử dụng và quyết toán với ngân sách địa phương hết năm 2018. Từ năm 2019, kinh phí hoạt động của lực lượng QLTT sẽ thuộc nguồn ngân sách cấp cho Bộ Công Thương.

Cũng theo ông Anh, Bộ Công Thương đã lên kế hoạch đề xuất dự kiến kinh phí hoạt động của Tổng cục QLTT sẽ chiếm khoảng 50% phần kinh phí hoạt động dành cho cả Bộ. Tuy nhiên, đề xuất này sẽ phải chờ Bộ Tài chính phê duyệt. Nhưng liệu Bộ Tài chính có thông qua dự kiến kế hoạch chi tiêu của Bộ Công Thương dành cho Tổng cục QLTT hay không khi mà thời gian qua dư luận vẫn đặt khá nhiều dấu hỏi về tính hiệu quả của lực lượng này?

Nhật Thu - Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-doanh-phap-luat/tong-cuc-qltt-nuoc-xa-co-cuu-duoc-lua-gan-he-luy-khi-tay-khong-du-dai-414298.html