Tổng điều tra kinh tế trên phạm vi cả nước

Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành Tổng điều tra kinh tế năm 2021 theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng điều tra nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện tổng điều tra với tất cả các loại hình, ngành kinh tế

Thực hiện tổng điều tra với tất cả các loại hình, ngành kinh tế

Cuộc điều tra cũng nhằm biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê. Đồng thời, cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; xây dựng dàn mẫu chủ về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, của các bộ, ngành, địa phương.

Tổng điều tra thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất cả các đơn vị điều tra thuộc các loại hình, ngành kinh tế. Phương pháp thu thập thông tin chủ yếu qua 2 hình thức: Đơn vị điều tra tự cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và thua thập trực tiếp thông qua gặp gỡ người cung cấp thông tin.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 1/3 - 30/5 sẽ tiến hành thu thập thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; từ ngày 1-30/7 thu thập thông tin cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Dự kiến kết quả sơ bộ Tổng điều tra sẽ công bố vào tháng 12/2021, kết quả chính thức công bố vào quý II/2022.

Tổng điều tra kinh tế là hoạt động phức tạp có quy mô lớn, do đó Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương đề nghị ngành thống kê thực hiện tốt vai trò chủ trì, hướng dẫn phương án, nghiệp vụ, kế hoạch triển khai đối với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ban chỉ đạo địa phương, tổ công tác các bộ, ngành; tham mưu và lập kế hoạch cho lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phương chỉ đạo cuộc điều tra theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của ngành và mỗi địa phương.

Các bộ, ngành, UBND các cấp, các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê và cơ quan thống kê các cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai thực hiện Tổng điều tra.

Việt Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-dieu-tra-kinh-te-tren-pham-vi-ca-nuoc-153024.html