Tổng Giám đốc nước sạch sông Đà tiết lộ lý do chậm báo cáo nước nhiễm dầu

Tổng Giám đốc nước sạch sông Đà cho biết, do đơn vị tập trung vớt dầu kể cả nhân viên kế toán… nên có báo cáo chậm lên thành phố.

Ông Tốn trả lời báo chí trong bủoi họp báo

Ông Tốn trả lời báo chí trong bủoi họp báo

Chiều 15/10, tại Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà cho biết: “Chúng tôi xin rút kinh nghiệm, phản ánh của khách hàng đến công ty không giải thích được kịp thời, công ty có lỗi. Chúng tôi nhận lỗi vì khách hàng cần nhưng mình không đến kịp thời, về vấn đề này chúng tôi sẽ có cuộc họp rút kinh nghiệm”.

Theo ông Tốn, thời điểm phát hiện dầu thải tràn lúc 9h ngày 9/10, công ty đã huy động toàn bộ cán bộ nhân viên công ty và thuê ở ngoài dùng phao chuyên dụng quây để dầu không lan rồi tiến hành vớt để đảm bảo cô đặc dầu.

Do tập trung vớt dầu kể cả nhân viên kế toán… nên có báo cáo chậm lên thành phố. Song song với việc đó là dừng sản xuất để tập trung vớt dầu. Đến 12h cùng ngày thì cơ bản thu gom được hết chất thải.

Ông Tốn cũng cho rằng máy móc thiết bị của công ty đủ chỉ tiêu A tức mùi vị bình thường nên sau đó đơn vị tiếp tục sản xuất nước cung cấp cho người dân. Đến ngày 10/10 khi nghe phản ánh của khách hàng, báo chí về hiện tượng mùi “lạ” công ty cho phòng thí nghiệm kiểm tra thì nước vẫn đảm bảo, hàm lượng clo vẫn đảm bảo.

Nước nhiễm dầu thải ở đầu nguồn

Chia sẻ về lý do công ty không ngừng cung cấp nước, ông Tốn cho hay, trong thâm tâm của ông 80% nghĩ cho dừng cấp nước vì nghĩ chất lượng nước có vấn đề. Tuy nhiên, nếu dừng một hai ngày thì phía công ty không sao nhưng vẫn phải cấp nước vì đến ngày 10/10 xét nghiệm phòng xét nghiệm của công ty chỉ tiêu A xác định không có vấn đề gì.

Đơn vị cũng tham khảo một số chuyên gia và cũng nhận được ý kiến lý do gì cắt nước. Nếu bảo ô nhiễm chứng cứ đâu trong khi kết quả nội hàm vẫn đảm bảo. Nếu thuê đơn vị độc lập bên ngoài xét nghiệm phải mất thời gian 10-20 ngày.

Dừng cấp nước sông Đà sẽ ảnh hưởng đến người dân rất nhiều. Đó là lý do chậm báo cáo thành phố vì nếu báo cáo thì không biết báo cáo gì trong khi chất lượng nước công ty vẫn đảm bảo.

Ông Tốn cho rằng: “Nếu chất lượng nước có vấn đề thì đơn vị sẽ báo cáo ngay. Kể cả ngày 11/10 đoàn liên ngành lên kiểm tra thì nhà máy vẫn hoạt động bình thường”.

Báo chí cũng phản ánh về việc gọi nhiều lần nhưng không nghe máy, ông Tốn cho rằng do quá nhiều thanh tra kiểm tra nên không dám nghe điện thoại, phải tiếp nhiều đoàn nên mong báo chí thông cảm.

Luật sư Mai Thảo - Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 7 Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã quy định: “ Nghiêm cấm hành vi đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật”. Như vậy, hành vi xe ô tô đổ trộm 2,5 tấn dầu nhớt thải xuống suối Trâm là hành vi cấm theo Luật bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào Danh mục chất thải nguy hại được ban hành kèm theo Thông tư 36/2015/TT-BTNMT, dầu nhớt thải được xác định là một trong những loại chất thải nguy hải. Vì vậy, việc xử lí dầu thải phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Đối với hành vi đổ dầu nhớt vào suối của chủ xe tải, chủ xe phải chịu trách nhiệm về dân sự, trách nhiệm hình sự, tùy từng mức độ, cụ thể:

Theo Điểm h, Khoản 9 Điều 21 Nghị định 153/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì:

“9. Hành vi chôn, lấp, đổ, thải chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau:

h) Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải từ 2.500 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại.”

Như vậy, nếu hành vi đổ trộm dầu thải nhớt có khối lượng 2,5 tấn thì chủ xe ô tô sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu do hành vi vi phạm gây ra.

Theo luật sư Thảo, hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang xác minh, điều tra và làm rõ khối lượng chất thải mà chủ xe tải đã đổ xuống suối. Nếu khối lượng chất thải đổ vào nguồn nước trên 3 tấn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo Điều 235 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 602 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

“Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”

Về trách nhiệm dân sự của công ty nước sông Đà, theo Điều 608 của Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Luật sư Thảo cho rằng, khi phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm dầu, công ty nước sạch sông Đà cần phải dừng ngay hoạt động cung cấp nước cho người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp để xử lý ô nhiễm dầu. Trong trường hợp sau khi biết nguồn nước ô nhiễm mà công ty nước sạch Sông Đà vẫn cung cấp cho người dân, người dân sử dụng bị nhiễm độc thì đương nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về công ty nước sạch Sông Đà.

Cao Nguyên - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongvietnam.vn/tong-giam-doc-nuoc-sach-song-da-tiet-lo-ly-do-cham-bao-cao-nuoc-nhiem-dau-76735-3.html