Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng kiểm tra tình hình Trung tâm phân phối khí Tiền Hải

Ngày 23/8, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng dẫn đầu đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình Trung tâm phân phối khí Tiền Hải – tỉnh Thái Bình.

Cùng đi có Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Chí Thanh, lãnh đạo các ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn. Về phía Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có Phó Tổng giám đốc PV GAS Nguyễn Quốc Huy, Ban điều hành Trung Tâm phân phối khí Hàm Rồng – Thái Bình, lãnh đạo Công ty Phân phối khí thấp áp Dầu khí.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nghe báo cáo về Hệ thống khí Hàm Rồng- Tiền Hải.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nghe báo cáo về Hệ thống khí Hàm Rồng- Tiền Hải.

Trung tâm phân phối khí Tiền Hải nằm trong dự án Hệ thống thu gom khí và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, lô 102&106, là dự án được PVN giao cho PV GAS làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 91,68 triệu USD.

Khu Công nghiệp (KCN) Tiền Hải đã có lịch sử phát triển 30 năm, là KCN đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên (KTN) tại Việt Nam nói chung, và của tỉnh Thái Bình - cái nôi của ngành Dầu Khí Việt Nam nói riêng. KTN được khai thác từ mỏ Tiền Hải, mỏ D14 và Đồng Quan D, là các mỏ khí trên đất liền, nơi cách đây hơn 30 năm dòng khí đầu tiên của Việt Nam được PVN khai thác. Cho đến nay, nguồn cung cấp KTN cho KCN Tiền Hải đang sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu sử dụng KTN tại đây ngày càng tăng.

Trước thực trạng này, một số hộ tiêu thụ KTN hiện nay tìm kiếm nguồn nhiên liệu thay thế khác để sản xuất như than hóa khí, LPG, dầu DO, FO… nhưng hầu hết các loại nhiên liệu này ít nhiều lại ảnh hưởng đến môi trường.

Một góc Trung tâm phân phối khí Tiền Hải.

Dự án Hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình, bao gồm tuyến ống dài 25km, xuất phát từ mỏ Thái Bình (lô 102) đi vào điểm tiếp bờ (LFP) nằm trên Cồn Vành, đến Trạm tiếp bờ (LFS) tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình và đến Trung tâm phân phối khí (GDC) trong KCN Tiền Hải. Từ trạm phân phối khí có các đường ống nhánh dẫn đến các hộ tiêu thụ công nghiệp trong khu công nghiệp Tiền Hải; Giàn khai thác khí Thái Bình do đối tác Petronas điều hành; Trạm tiếp bờ (LFS), bao gồm các thiết bị chính như: van ngắt tuyến, hệ thống cáp quang kết nối điều khiển với trung tâm phân phối khí, nhà văn phòng, thiết bị lưu trữ điện và hệ thống phụ trợ.

Đặc biệt là Trung tâm phân phối khí có diện tích 5ha, bao gồm các hệ thống công nghệ và thiết bị chính gồm: hệ thống nhận thoi, thiết bị tách 3 pha, thiết bị tách lọc lỏng, bồn chứa condensate và hệ thống xuất lên xe bồn, hệ thống Metering, bình tách condensate/nước, hệ thống điều khiển trung tâm, nhà xưởng, văn phòng và các hệ thống phụ trợ như trạm biến áp 35/0.4 KV, máy phát điện dự phòng, hệ thống xử lý nước nhiễm dầu, hệ thống phòng cháy chữa cháy…

Trong 4 năm vận hành, Hệ thống khí Hàm Rồng – Thái Bình đã cung cấp trung bình 150 triệu Sm3/năm gồm hai sản phẩm CNG và KTA. Vào đầu năm 2019, do sự cố gọi dòng sau khi tạm dừng bảo dưỡng định kỳ tại giếng số 1 khiến sản lượng khí của Hệ thống sụt giảm tới 60%. Đến ngày 12/6, sự cố mới được khắc phục nhưng lượng khách hàng trong khu công nghiệp chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu khác (khí than, dầu FO…) khiến hệ thống không thể tăng sản lượng.

Đoàn công tác của PVN kiểm tra tình hình Trung tâm phân phối khí Tiền Hải.

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã đánh giá cao trình độ quản trị, hệ thống sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp của Trung tâm phân phối khí Hàm Rồng – Thái Bình nói riêng và PV GAS nói chung. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc PVN cũng có một số gợi mở về chiến lược phát triển kinh doanh khí CNG tại Thái Bình cũng như các tỉnh Đông Nam bộ. Theo đó, nguồn năng lượng KTN là nguồn năng lượng sạch, phù hợp phát triển công nghiệp xanh theo định hướng của Chính Phủ. Vì vậy, với vai trò là trụ cột ngành công nghiệp khí quốc gia, PV GAS cần hoàn thiện hơn chiến lược kinh doanh không chỉ cung cấp khí công nghiệp đến các đại lý, mà phải mở rộng đến tận các hộ tiêu dùng.

Mặt khác, Tập đoàn sẽ cùng phối hợp với các đơn vị thăm dò khai thác, tích cực tìm kiếm, phát triển và đưa vào khai thác các mỏ khí nhỏ, cận biên để gia tăng lượng khí cung cấp cho các khu công nghiệp thuộc các tỉnh duyên hải miền Bắc.

Có thể thấy rằng, công nghiệp khí đang có vai trò ngày càng quan trọng trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là nguồn năng lượng sạch, có khả năng mở rộng tại nhiều tỉnh thành, khu vực trên cả nước. Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều bất cập như thiếu cơ chế cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác các mỏ nhỏ, cận biên. Các tỉnh thành, địa phương muốn phát triển công nghiệp khí cũng chưa có chế độ khuyến khích cụ thể như ưu đãi thuế, chi phí thuê đất… cho doanh nghiệp phát triển năng lượng sạch. Để công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có một nền công nghiệp xanh, sạch không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực mà cần chính quyền các cấp cụ thể hóa, tích cực hỗ trợ bằng các chính sách, cơ chế thích hợp.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tong-giam-doc-pvn-le-manh-hung-kiem-tra-tinh-hinh-trung-tam-phan-phoi-khi-tien-hai-547206.html