Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nói gì về chỉ số nộp thuế của Việt Nam?

Tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tuy được đánh giá cao nhưng một vài cải cách về thuế của Việt Nam vẫn chưa được ghi nhận. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Bà Đinh Thi Quỳnh Vân.

Tại Doing Business 2019, dù chỉ số Nộp thuế (Paying Taxes) là 62,87 điểm, tăng 1,25 điểm so với báo cáo tại Doing Business 2018, nhưng thực tế chỉ số nộp thuế của Việt Nam tụt xuống vị trí 131, rơi 45 bậc. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Nhìn vào tiêu chí của WB thì thấy, riêng về chỉ số nộp thuế, họ đánh giá theo các yếu tố: số lần nộp thuế, thời gian nộp thuế, tổng mức thuế suất trên lợi nhuận và cuối cùng là chỉ số sau kê khai như thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh kiểm tra thuế.

Trong các chỉ số trên, số giờ nộp thuế trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 không đổi, số lần nộp thuế giảm từ 14 lần xuống 10 lần.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến thứ hạng thay đổi là sự thay đổi chính sách trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp đánh giá được WB đưa ra là một doanh nghiệp nhỏ không có hoạt động đầu tư, không có hoạt động xuất khẩu trong năm khảo sát.

Trước kia, tại Việt Nam, đây là doanh nghiệp có thể được hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng hiện tại, các đơn vị này không thuộc diện được hoàn thuế. Bởi vậy, điểm số riêng phần này của Việt Nam bằng 0.

Với đối tượng là doanh nghiệp như trên, có nước cho hoàn thuế, có nước hạn chế hoàn thuế. Thực tế, có nước không có thuế giá trị gia tăng, có nước cho hoàn thuế sau 1-3 tháng hoặc sau 12 tháng. Đó là chính sách của mỗi nước.

Tại báo cáo của WB, thời gian nộp thuế của nước ta là 498 giờ (trong đó thuế 351 giờ, BHXH 147 giờ). Tuy nhiên, theo lý giải của Tổng cục Thuế, trong số 351 giờ nộp thuế thì đến 334 giờ là thời gian doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ. Vậy, cơ quan chức năng cần làm gì để cải thiện điều này thưa bà?

Thực tế ngành Thuế đã cải cách thể chế khá nhiều và thực tế số giờ chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp cũng đã giảm vài trăm giờ so với trước đây. Một loạt các biện pháp đã được đưa ra để bỏ các yêu cầu không cần thiết trong tờ khai thuế. Việc làm này cũng cần được rà soát tiếp.

Về áp dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp được WB lựa chọn là doanh nghiệp nhỏ, không phải doanh nghiệp lớn nên việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Hơn nữa, nhận thức của doanh nghiệp đối với việc “đầu tư” vào khâu kế toán còn hạn chế. Chưa nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo các doanh nghiệp mà WB giả định chịu bỏ tiền ra để thuê một nhân viên kế toán chính thức làm các công việc hàng ngày tại chính doanh nghiệp hoặc thuê các đại lý công ty kế toán chuyên nghiệp mà thay vào đó thuê những kế toán ngoài làm việc không chuyên nghiệp. Chính việc làm này đang gây mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều nước có chính sách kế toán, thuế đơn giản hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nước ta cũng nên có chính sách thuế, chế độ kế toán đơn giản phù hợp hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Để cải thiện các chỉ số tại Doing Business năm tới, ngành Thuế cần lưu ý những gì thưa bà?

Ở đây có một số vấn đề. Một là thủ tục hành chính có ảnh hưởng nhất định. Trong những năm qua, ngành thuế đã triển khai nhiều cải cách như kê khai, nộp thuế điện tử nên hiện thời gian kê khai nộp thuế thấp.

Vấn đề thứ 2 là thời gian doanh nghiệp bỏ ra để chuẩn bị số liệu, tờ khai thuế đang lớn. Vấn đề này tôi nghĩ cũng có vai trò của doanh nghiệp vì đây là thời gian để các đơn vị chuẩn bị, cập nhật số liệu. Doanh nghiệp hiện vẫn làm tờ khai thuế chiết xuất số liệu từ sổ kế toán ra bảng excel. Việc này tốn nhiều thời gian. Trong khi ấy, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số liệu từ phần mềm tài chính kế toán.

Một phần nữa cũng ảnh hưởng là chính sách. Ví dụ như việc thay đổi chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm thiểu gian lận nhưng phía WB lại tính Việt Nam 0 điểm. Tuy nhiên, đó là sự cân bằng giữa yếu tố về quản lý chính sách và thủ tục.

Đánh giá về chỉ số nộp thuế, WB đã căn cứ vào các tiêu chí như: Số giờ nộp thuế; Số lần nộp thuế trong năm; Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; Chỉ số sau kê khai (hoàn thuế GTGT, thanh/kiểm tra thuế TNDN). Việc khảo sát được thực hiện trên một doanh nghiệp giả định là một doanh nghiệp vừa và nhỏ không có hoạt động xuất khẩu để đảm bảo tính so sánh. Việc khảo sát được dựa trên các qui định đã ban hành và đi vào thực hiện trong năm 2017 (độ trễ của chính sách là 2 năm).

Theo báo cáo của WB, thời gian nộp thuế của Việt Nam trong Doing Business 2019 là 498 giờ, trong đó thuế là 351 giờ và bảo hiểm xã hội là 147 giờ, không thay đổi so với năm ngoái. Trong số 351 giờ nộp thuế, có 334 giờ là thời gian dành cho việc tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thời gian cho việc nộp tờ khai và nộp thuế là 17 giờ.

Số lần nộp thuế của Việt Nam là 10 lần, giảm 4 lần so với năm ngoái. Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận là 37,8%, giảm 0,3% so với 38,1% so với kết quả năm 2018.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tong-giam-doc-pwc-viet-nam-noi-gi-ve-chi-so-nop-thue-cua-viet-nam.aspx