Tổng giám đốc UDIC Nguyễn Minh Quang: Chuyên nghiệp hóa để phát triển

Vốn được mệnh danh là 'ông lớn' của thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội và luôn 'cháy hàng' cả khi thị trường đóng băng nhưng năm 2019, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cũng đã phải thay đổi chiến lược marketing để phù hợp với sự cạnh tranh gắt gao của thị trường nhà ở.

 Tổng giám đốc Nguyễn Minh Quang

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Quang

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc UDIC Nguyễn Minh Quang cho rằng, đã đến lúc DN BĐS Nhà nước không thể bán hàng theo kiểu “thủ công”, cần phải chuyên nghiệp hóa để phát triển.

Thưa ông, còn nhớ vào những năm thị trường BĐS đóng băng như năm 2011 - 2013, UDIC vẫn bán nhà kiểu “bao cấp”, không quảng cáo, không có đội ngũ sale nhưng hàng của UDIC vẫn không đủ để cung ứng cho thị trường. Ông có thể chia sẻ về bí quyết gì tạo nên giá trị như vậy?

- Thực ra không có bí quyết nào ở đây cả. Tôi cho rằng, cái gì đến và làm từ “tâm” thì sẽ được mọi người đón nhận. Đặc biệt với ngành xây dựng, cái “tâm” sẽ tạo nên giá trị một cách rõ nét nhất. Chủ trương xuyên suốt quá trình đầu tư xây dựng nhà ở của UDIC là xây nhà để bán như xây nhà để ở cho chính mình. Vì thế, từ khâu thiết kế đến thi công hoàn thành đưa công trình vào vận hành khai thác đều được chúng tôi thực hiện nghiêm túc, bài bản.

Còn về việc chúng tôi không quảng cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng và không có đội ngũ sale trong giai đoạn 2011 - 2013, khi thị trường BĐS đóng băng là vì trong giai đoạn đó, các dự án quảng cáo rất nhiều và qua rất nhiều kênh mà tôi đánh giá là phản tác dụng. Chiến lược của chúng tôi là tạo ra các sản phẩm nhà ở chất lượng thực sự, các cán bộ công nhân viên UDIC sẽ chính là đội ngũ sale cho dự án. Bởi họ là người hiểu rõ về dự án, chất lượng nhà ở, qua đó sẽ giới thiệu tới người thân, bạn bè, đối tác…

Gần đây, giới BĐS thường hay nhắc tới cụm từ “công nghệ mới” hay “áp dụng công nghệ” trong xây dựng. Vậy, UDIC có sự đổi mới về công nghệ nào không, thưa ông?

- Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nhiều công nghệ mới đã được phát triển và ứng dụng vào trong ngành xây dựng. Trong số đó “Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - viết tắt là BIM)” được ngành xây dựng của nhiều nước phát triển ứng dụng.

Nắm bắt được việc áp dụng công nghệ BIM sẽ là một xu thế tất yếu trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra năng lực cạnh tranh cho các nhà thầu xây dựng, từ năm 2017, UDIC đã quyết định thành lập Phòng Công nghệ BIM, đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống máy tính cấu hình cao, phần mềm bản quyền và chương trình đào tạo chuyển giao công nghệ. Đến nay, sau hơn 2 năm phát triển, BIM đã chứng tỏ hiệu quả của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất như đẩy nhanh được tiến độ phê duyệt biện pháp tổ chức thi công tại các công trình có mặt bằng xây dựng phức tạp, chật hẹp, kiểm soát phát hiện, xử lý lỗi bất cập trong hồ sơ thiết kế. Qua đó đẩy nhanh được tiến độ thi công xây dựng công trình.

Phối cảnh một dự án của Tổng Công ty UDIC.

Theo ông, giá trị của DN BĐS được khẳng định bởi những yếu tố nào?

- Giá trị của DN BĐS được khẳng định bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, có 4 yếu tố mấu chốt. Đầu tiên là yếu tố con người, đặc biệt là người lãnh đạo DN. Đóng góp vào sự thành công của một công ty thì con người quyết định 90%, còn chiến lược chỉ chiếm 10%.

Thứ hai là thương hiệu DN. Đây là yếu tố phản ánh giá trị của DN.

Thứ ba là văn hóa DN. Cốt lõi của văn hóa DN là tinh thần DN và quan điểm giá trị của DN. Do đó có thể nói văn hóa như là linh hồn của DN. Nói nôm na, nếu DN là máy tính thì văn hóa DN là hệ điều hành.

Thứ tư là niềm tin của đối tác, bạn hàng và khách hàng. Đây là điều mà bất kỳ một DN nào cũng cần có trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt đối với DN BĐS, việc có được niềm tin của đối tác, bạn hàng và khách hàng thì chắc chắn sẽ đạt được những thành công nhất định.

Trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao chiếm lĩnh thị trường BĐS, là DN Nhà nước, theo ông, cần phải làm gì để tạo sức bật và khẳng định thương hiệu trong tình hình mới?

- Với UDIC, việc minh bạch thông tin luôn được đặt lên hàng đầu khi bán hàng, bàn giao nhà cho cư dân và chuyển giao công tác quản lý vận hành cho Ban quản trị tòa nhà. Có thể khẳng định, chúng tôi là một trong số không nhiều DN thực hiện tốt công tác quản lý sau đầu tư dự án. Ví như tổ chức Hội nghị nhà chung cư, bàn giao quỹ bảo trì và công khai diện tích sử dụng chung cho người dân đúng quy định, tiến độ.

Sau khi bàn giao công tác quản lý vận hành công trình cho Ban quản trị tòa nhà, UDIC vẫn tiếp tục song hành, hỗ trợ và thành lập riêng một bộ phận sau đầu tư để phối hợp với Ban quản trị của dự án trong công tác bảo hành, bảo trì tòa nhà. Đặc biệt, 100% các dự án của UDIC làm chủ đầu tư người dân đều được cấp sổ đỏ trong thời gian rất ngắn khi nhận bàn giao nhà. Đây chính là thế mạnh của DN BĐS Nhà nước như UDIC, cần tiếp tục duy trì và phát huy trong bối cảnh hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Trong chiến lược marketing, DN BĐS Nhà nước buộc phải thay đổi để phát triển. Không thể tiếp tục tư duy bán hàng một cách “thủ công” qua kênh cán bộ, công nhân viên như UDIC đã từng làm. Thị trường BĐS hiện rất đa sắc màu và đầy sức hút nên DN Nhà nước phải có đội ngũ sale chuyên nghiệp hoặc là ký kết với đơn vị phân phối – họ có kỹ năng bán hàng để “bung” hàng ra thị trường.

Tổng Giám đốc UDIC Nguyễn Minh Quang

Thương Huế thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tong-giam-doc-udic-nguyen-minh-quang-chuyen-nghiep-hoa-de-phat-trien-363104.html