Tổng hội Y học lên tiếng trước 'kêu cứu' của bác sĩ Hoàng Công Lương

Tổng hội Y học Việt Nam đã có hồi âm sau khi bác sĩ Hoàng Công Lương - một trong 5 người bị khởi tố trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình - gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng về kết luận điều tra bổ sung vụ án.

BS Hoàng Công Lương lên tiếng sau kết luận điều tra bổ sung vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình

Theo BS Hoàng Công Lương, kết luận điều tra cho rằng BS Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định tại Đơn nguyên thận nhân tạo, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định tại nguyên đơn thận nhân tạo, là không đúng.

Thực tế, BS Lương và 2 BS (BS Phạm Thị Huyền và Quách Thế Tùng) được chấm công hưởng lương tại nguyên đơn thận nhân tạo. BS Nguyễn Mạnh Linh đã đủ điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề, nhưng do phải chờ đợt cấp của Sở Y tế.

Sau khi tiếp nhận đơn thư của BS Hoàng Công Lương, Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng: Về việc khám chữa bệnh BS Nguyễn Mạnh Linh và BS Phạm Thị Huyền, căn cứ vào khoản 2, khoản 3, điều 6 Luật Khám chữa bệnh: "Nghiêm cấm khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động. Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu".

Căn cứ vào quy định trên, BS Nguyễn Mạnh Linh không đủ điều kiện khám chữa bệnh nên cần có sự giám sát, hỗ trợ của bác sĩ có chứng chỉ hành nghề.

Việc bác sĩ Hoàng Công Lương ký vào bệnh án cùng với BS Nguyễn Mạnh Linh là thể hiện việc giám sát, hỗ trợ của bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề là đúng theo quy định của pháp luật. Còn đối với BS Phạm Thị Huyền, hiện đã được cấp chứng chỉ hành nghề do vậy BS Huyền đủ điều kiện hành nghề độc lập. Do vậy, BS Lương không cần cùng ký bệnh án với BS Phạm Thị Huyền.

Cũng theo ý kiến từ Tổng hội Y học Việt Nam, nếu BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có văn bản quy định về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO, sau khi sửa chữa bác sĩ điều trị chỉ được ra y lệnh vận hành máy khi đã có biên bản bàn giao chính thức giữa bên sửa chữa Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh và bên yêu cầu sửa chữa là phòng Vật tư - Thiết bị y tế (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình).

BS Hoàng Công Lương chỉ phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện đúng văn bản của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ban hành về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO. Trong trường hợp BV chưa ban hành văn bản quy định về quy trình sửa chữa hệ thống lọc nước RO phổ biến tới các bác sĩ trong BV thì cần xem xét lại trách nhiệm của BS Hoàng Công Lương theo quy định tại điều 34 Luật Khám chữa bệnh quy định về: Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh.

L.Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/tong-hoi-y-hoc-len-tieng-truoc-keu-cuu-cua-bac-si-hoang-cong-luong-622906.ldo