Tổng hợp các hệ thống an toàn chủ động trên ô tô (Phần 1)

Với việc công nghệ trên ô tô ngày càng phát triển, các công nghệ giữ an toàn cho người sử dụng ngày càng được phát triển và hoàn thiện. Đây là cách các hệ thống an toàn chủ động hoạt động và cách thức chúng được kích hoạt để bảo vệ người ngồi trên xe.

Sự hiểu biết về các hệ thống này sẽ giúp người mua xe quyết định sự đáng tiền khi chọn mua các gói tùy chọn đắt tiền, và hơn thế nữa, tránh được việc bị người bán xe thu hút mua những gói trang bị không đáng tiền

Với những người đã mua xe, việc hiểu được các chức năng này có tác dụng gì sẽ giải thích cho những tình huống các hệ thống này không hoạt động hay người lái nên làm gì trong tình huống các hệ thống này được kích hoạt.

Bài viết này sẽ tổng hợp tất cả các tính năng an toàn chủ động hiện hành, cùng với lời giải thích cho cách thức hoạt động của các hệ thống này.

Hệ thống ga hành trình chủ động (Adaptive Cruise Control- ACC):

Hệ thống ga hành trình chủ động là một hệ thống hoạt động dựa vào các radar và các mô-đun camera trước (có ở 1 số mẫu xe) để tự điều tiết tốc độ được cài sẵn trong hệ thống ga hành trình. Đây là một hệ thống nâng cấp của hệ thống ga hành trình thường thấy khi chiếc xe có khả năng tự động giảm hoặc tăng tốc độ để duy trì khoảng cách với xe trước. Với nhiều mẫu xe cao cấp, hệ thống có thể cho người lái chọn khoảng cách duy trì với xe trước theo điều kiện di chuyển. Cũng ở trong những hệ thống có trên những mẫu xe cao cấp này, hệ thống có thể phanh hoàn toàn chiếc xe khi luồng giao thông ngừng di chuyển và tự động tăng tốc khi phát hiện luồng giao thông di chuyển trở lại. Tuy rằng hệ thống không thể hoàn toàn cứu chiếc xe khi người lái mất kiểm soát, nhưng hệ thống này có khả năng giảm thiểu các tai nạn kiểu dồn toa khi người lái buồn ngủ hay mất tập trung.

Hệ thống hỗ trợ đỗ xe tự động (Active Park Assist):

Hệ thống này sử dụng các radar và các sóng âm phản xạ để đi tìm và đo các khoảng đỗ xe trống vừa vặn với chiếc xe. Sau đó, chiếc xe sẽ tự động đánh/ trả lái cùng với phản xạ ga/ phanh của người lái đưa chiếc xe vào bãi đỗ trống. Một số chiếc xe được đi kèm với tính năng đỗ xe song song và đỗ xe vuông góc, trong khi có những mẫu xe chỉ có một trong hai tính năng đỗ xe trên. Tuy không thể phủ nhận tính tiện dụng của tính năng này, hiện có rất ít người sử dụng xe sử dụng hệ thống này cũng như hệ thống dễ bị mắc lỗi với những vật cản không nhìn thấy được (gờ đường, vỉa hè thấp hay như các yếu tố môi trường xung quanh).

Hệ thống phanh tự động khẩn cấp (Automated Emergency Braking- AEB):

Sử dụng các camera trước cùng với các radar, những chiếc xe được trang bị AEB sẽ cảnh báo người lái trong các tình huống hệ thống dò được các khả năng tai nạn tiềm ẩn với các phương tiện, người đi bộ hay như với các vật thể. Sau đó, chiếc xe sẽ tự động phanh lại nếu như cảm thấy người lái không có phản ứng với các cảnh báo này. Một số chiếc xe đi kèm với hệ thống tương tự khi chiếc xe đi lùi (sẽ được liệt kê phía bên dưới). Trong điều kiện sử dụng thông thường, hệ thống luôn hoạt động đúng với chức năng của nó nhưng không có khả năng phanh đủ mạnh để hoàn toàn phanh đứng chiếc xe trong những tình huống xe đi nhanh (trừ một số mẫu xe cao cấp với hệ thống nâng cấp). Vì vậy, người lái không nên hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống này mà cần cả phản xạ xử lý các tình huống khẩn cấp.

Hệ thống đèn pha tự động (Automatic High-Beams):

Hệ thống đèn tự động hạ pha tưởng chừng là một công nghệ mới, nhưng thực tế đã được sử dụng từ thập niên 50 trên một số mẫu xe cao cấp của Cadillac, Buick hay Oldsmobile. Ở các hệ thống mới, thay vì việc sử dụng các cảm biến ánh sáng kiểu cũ, đèn pha tự động được điều khiển qua các thông tin thu nhận từ hệ thống radar và các mô-đun camera để hạ đèn pha khi có xe ở hướng ngược lại mà không nhầm lẫn với các biển báo ở ven đường.

Hệ thống cảnh báo điểm mù (Blind-Spot Monitor):

Sử dụng các cảm biến sóng âm phản xạ ở cản sau hoặc các camera lắp phía bên ngoài các gương chiếu hậu, hệ thống cảnh báo điểm mù cảnh báo người lái về các phương tiện đang di chuyển ở các điểm mù hay ở điểm bị các cột B và C che khuất tầm nhìn. Hệ thống sẽ chiếu đèn cảnh báo ở ngay trên gương chiếu hậu hoặc ở trên taplo, hay ở trên những hệ thống cao cấp hơn, sẽ phát âm thanh cảnh báo khi người lái bật xi nhan chuyển làn khi hệ thống phát hiện có phương tiện nằm ở điểm mù. Nhìn chung, hệ thống cảnh báo điểm mù là một hệ thống làm việc hiệu quả trong việc cảnh báo người lái về nguy cơ va chạm với phương tiện khác nằm ở điểm mù.

Hệ thống cảnh báo mất tập trung (Driver-Attention Monitor):

Hệ thống này sử dụng các cảm biến để soi chiếu sự di chuyển của chiếc xe với phản xạ của người lái để tránh những trường hợp như lái xe khi đang sử dụng điện thoại hay lái xe khi đang buồn ngủ. Những hệ thống này sẽ liên tục thu nhận thông tin về sự chuyển động của chiếc xe, và dự đoán khả năng mất tập trung. Hệ thống này sẽ có các cảnh báo bằng âm thanh hoặc dưới dạng đèn cảnh báo trên màn hình HUD, khuyến khích người lái nghỉ ngơi để lấy lại sự tập trung khi lái xe. Một số hệ thống tiên tiến hơn, như Super Cruise của Cadillac, sử dụng camera trước mặt người lái để quan sát các hành động mất tập trung.

Hệ thống cảnh báo va chạm trước (Forward Collision Warning- FCW):

Giống với hệ thống ga hành trình chủ động- ACC, hệ thống này cũng sử dụng các radar và các mô-đun camera để dò các vật cản phía trước như luồng giao thông di chuyển chậm hay một phương tiện phanh gấp ở phía trước. Hệ thống sau đó sẽ phát âm thanh và cảnh báo bằng các đèn cảnh báo trên màn hình HUD của xe, với hy vọng người lái sẽ kịp phản ứng với các cảnh báo này. Đôi khi, hệ thống này là một phần của hệ thống phanh tự động khẩn cấp- AEB, nhưng người mua cần kiểm tra kĩ thông số trước khi mua do có nhiều mẫu xe bình dân chỉ bán với FCW.

(Còn tiếp)

Việt Long

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/oto-xe-may/201907/tong-hop-cac-he-thong-an-toan-chu-dong-tren-o-to-phan-1-637652/