Tổng kết đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy

Sáng 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm Đề án 'Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng' giai đoạn 2018-2023. Đồng chí Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Trong 5 năm, Bình Thuận có 1.225 người hoàn thành thời gian cai nghiện về nơi cư trú. Các ngành chức năng và địa phương cũng lập 2.271 hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”, toàn tỉnh thành lập được 61 đội công tác xã hội tình nguyện để tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn, cảm hóa người sau cai nghiện và người nghiện ma túy đang quản lý tại cộng đồng. Kết quả, có 1.347 người nghiện ma túy được tiếp cận giúp đỡ, trong đó đã vận động được 69 người không còn sử dụng ma túy, vận động 264 người người nghiện heroin điều trị bằng thuốc methadone.

Đồng chí Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh tổ chức dạy nghề cho 520 học viên. Các địa phương đã giới thiệu, tạo việc làm cho 112 người sau cai nghiện bằng nghề may công nghiệp, trồng cây cao su, hớt tóc, lái taxi, chăn nuôi, buôn bán nhỏ tại gia đình. Giúp đỡ hỗ trợ cho gia đình 56 người sau cai nghiện được vay vốn làm kinh tế với số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Qua đó giúp người tham gia cai nghiện có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, rèn luyện bản thân làm lại cuộc đời, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã tham luận về kết quả đạt được, đồng thời nêu khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp triển khai trong thực hiện đề án, trọng tâm là việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc, việc điều trị nghiện bằng methadone, công tác truyền thông, cai nghiện tại cộng đồng, xây dựng mô hình phòng chống ma túy, hỗ trợ người nghiện sau cai nghiện về lại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương đề ra biện pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để thực hiện đề án này giai đoạn 2024 - 2030. Từng địa phương phải bố trí kinh phí để đảm bảo phục vụ công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, lồng ghép các chương trình, đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào nội dung phòng, chống ma túy. Tuyên truyền những mô hình, cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng để giúp người sau cai nghiện và gia đình nâng cao nhận thức trong việc học nghề, tìm việc làm, có thu nhập ổn định góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức tốt việc dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; tạo điều kiện để người sau cai nghiện được vay vốn, tự tạo việc làm. Vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm nhận người sau cai nghiện vào làm việc; xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong hoạt động giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy. Phân loại, quản lý chặt chẽ người sau cai nghiện ma túy; kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, tổ chức, cá nhân tiêu biểu, gương hoàn lương thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 2 tập thể, 5 cá nhân vì có thành tích trong thực hiện Đề án “Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng” giai đoạn 2018-2023.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tong-ket-de-an-dao-tao-nghe-gioi-thieu-viec-lam-cho-nguoi-sau-cai-nghien-ma-tuy-118343.html