Tổng kết dự án BIPP - Khởi đầu cho tương lai

Sáng 22/11, tại Hà Nội, lễ tổng kết Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP) đánh dấu giai đoạn kết thúc hoạt động của Dự án đã diễn ra.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án; ông Paul Jansen, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam; bà Krista Verstraleen, Đại diện thường trú Cơ quan Phát triển Bỉ Enabel tại Việt Nam, Đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án; ông Trần Đắc Hiến, Giám đốc Dự án BIPP, Cục trưởng Cục Thông tin và KHCN Quốc gia, Bộ KHCN cùng đại diện đến từ Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, Enabel, cơ quan thuộc Bộ KHCN và các đơn vị thụ hưởng Dự án.

 Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ Tổng kết dự án BIPP (Ảnh: Phan Minh)

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng phát biểu tại lễ Tổng kết dự án BIPP (Ảnh: Phan Minh)

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Kể từ khi Hiệp định hợp tác KHCN giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Bỉ được ký ngày 25/9/2002 tại Brussels, nhiều dự án nghiên cứu chung giữa hai nước đã được triển khai trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng tái tạo…

Bàn thảo luận về Tầm nhìn phát triển Ươm tạo doanh nghiệp KHCN với sự tham gia của (từ trài sang) TS. Hà Phương Thư, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam; PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM; Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN; Bà Thạch Lê Anh, Người sáng lập Vietnam Silicon Valley và BS. Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty KHCN Ngân Hà(Ảnh: Phan Minh)

Chính phủ Vương quốc Bỉ đã viện trợ vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam để triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” nhằm giúp xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa ra thị trường thông qua hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Theo đó, Dự án BIPP đã hỗ trợ Bộ KHCN tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cũng như doanh nghiệp đang được ươm tạo, cụ thể:

Thứ nhất, về mục tiêu củng cố khung pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN vừa và nhỏ cũng như cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, BIPP đã đề xuất các chính sách cần thiết; nghiên cứu xây dựng Lộ trình về Tiền ươm tạo và Ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam giai đoạn 2015-2025, đề xuất lộ trình phát triển hoạt động tiền ươm tạo và ươm tạo doanh nghiệp KHCN đến năm 2020; tổ chức hội thảo trong nước phổ biến các kết quả nghiên cứu và khuyến nghị về Lộ trình Ươm tạo doanh nghiệp KHCN đến nhiều đối tượng khác nhau trong cộng đồng KHCN.

Đồng thời, BIPP cũng nghiên cứu xây dựng Sổ tay song ngữ về Khung pháp lý cho doanh nghiệp KHCN và các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam; hình thành và thiết lập Hiệp hội các vườn ươm doanh nghiệp; thăm quan học hỏi kinh nghiệp của Chính phủ Vương quốc Bỉ, Chính phủ Cộng hòa Pháp về hoạch định chính sách hỗ trợ hoạt động ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KHCN.

Ông Trần Đắc Hiến, Giám đốc Dự án BIPP, Cục trưởng Cục Thông tin và KHCN Quốc gia, Bộ KHCN báo cáo kết quả chính của Dự án BIPP đã đạt được (Ảnh: Phan Minh)

Thứ hai, BIPP đã đưa ra những đề xuất cho khung chính sách hỗ trợ ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp công nghệ đã được rút ra từ việc thí điểm vận hành hai cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thuộc viện nghiên cứu ở Hà Nội (Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp – NTBIC) và thuộc trường đại học ở TP.HCM (Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM – HCMUT-TBI) với nhiều kết quả vô cùng quan trọng.

Thứ ba, thông qua việc thử nghiệm cơ chế quỹ hỗ trợ ươm tạo (Quỹ InnoFund), BIPP đã hỗ trợ một số cơ sở ươm tạo khác và dự án đang được ươm tạo trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ tư, BIPP đã thiết lập được và sử dụng một khung giám sát, đánh giá để bảo đảo các kết quả của dự án được ghi lại, phản hồi trong quá trình xây dựng dự chính sách phát triển cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam.

Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen đánh giá cao những kết quả mà Dự án BIPP đã đạt được sau 5 năm thực hiện (Ảnh: Hoàng Nam)

Tuy nhiên, Dự án vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo ông Trần Đắc Hiến, phần lớn các hạn chế này đều đến từ sự thiếu hiểu biết các quy trình thủ tục, cách thức nhận hỗ trợ vốn của doanh nghiệp. Do đó, trong tương lai, việc quan trọng để phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KHCN một cách có hiệu quả hơn nữa là cần phải tuyên truyền, phổ biến cụ thể và kĩ lưỡng hơn về vấn đề này. Qua đó, Dự án BIPP cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệp và đưa ra một số kiến nghị.

Đại diện cho Chính phủ Vương quốc Bỉ - đơn vị hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính với 5 năm thực hiện Dự án BIPP từ năm 2014 đến tháng 12 năm 2018, ông Paul Jansen chia sẻ: “Tôi rất tự hào rằng Dự án BIPP đã đóng góp thêm những bước tiến, tầm nhìn và bài học quan trọng và hữu ích để mở khóa thành công cho sự phát triển mạnh mẽ của nhân tố tư nhân tại Việt Nam và giúp kinh tế Việt Nam nắm bắt được những cơ hội đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM – đơn vị thụ hưởng của Dự án BIPP tặng quà lưu niệm và cảm ơn Cơ quan Phát triển Bỉ Enabel (Ảnh: Phan Minh)

Phát biểu bế mạc buổi lễ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định: “Dự án BIPP đã đạt được các mục tiêu đề ra, hỗ trợ hiệu quả Bộ KHCN trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển hoạt động ươm tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự án BIPP kết thúc nhưng đây mới chỉ là khởi đầu cho tương lai, cho việc tiếp tục phát triển ngày một mạnh mẽ hơn hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Và BIPP đã trở thành một minh chứng điển hình cho mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Vương quốc Bỉ”.

Phan Minh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tong-ket-du-an-bipp--khoi-dau-cho-tuong-lai-d440934.html