Tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 - 2018

Sáng 21/9, Ban chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết giai đoạn 2000-2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện- Phó trưởng Ban chỉ đạo Phong trào. Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện các Bộ, Ban ngành trung ương và Ban chỉ đạo phong trào tại các địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhất là trong bối cảnh nhiều nguy cơ hiện hữu có thể làm mất đi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Quang cảnh Hội nghị

Qua 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Kết quả đã có 19.064. 069/22.236. 778 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 69.024/106.382 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.

Theo báo cáo tại Hội nghị của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng:

Phong trào đã tạo sự lan tỏa, thẩm thấu vào các mặt của đời sống xã hội, xác định mục đích, ý nghĩa xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, môi trường văn hóa, con người Việt Nam.

Đã tạo ra phong trào thi đua rộng khắp, từ gia đình, làng, xã đến các cấp, các ngành; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; hương ước, quy ước của làng, xã được thực hiện nghiêm túc, xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiêu biểu trong việc xây dựng Gia đình, Dòng họ văn hóa, khu dân cư văn hóa. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân. Việc cưới, việc tang đã có chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân; tình trạng tảo hôn, ép hôn giảm đáng kể, các tập tục không còn phù hợp đã dần đươc điều chỉnh, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thông qua các hoạt động của Phong trào, nhiều mô hình tự quản tại các khu dân cư đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhiều hoạt động vận động nhân dân không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; phát huy thế mạnh nghề truyền thống đã được triển khai ở các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phong trào vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập đó là: Phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền; chất lượng các phong trào cụ thể trong Phong trào còn nhiều yếu kém, nhiều nội dung văn hóa trong Phong trào chưa thực hiện đầy đủ, kết quả đạt được chưa vững chắc, thiên về bề nổi, hình thức, thiếu chiều sâu và chất lượng; Việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa chưa chặt chẽ; thiếu công khai, dân chủ; chưa bám sát tiêu chuẩn. Thay vì nỗ lực từng gia đình, từng khu dân cư chung tay góp sức xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt được các tiêu chuẩn một cách thực chất thì còn làm quan liêu, đại khái, làm đẹp các con số, báo cáo không khách quan, đầy đủ, chạy theo thành tích; Các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tuy đã được triển khai nhưng chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến tình trạng lãng phí trong các đám cưới, đám tang; xây cất mồ mả khoa trương, tốn kém, lợi dụng lễ hội để trục lợi; Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nhiều nơi chưa được đầu tư cơ sở vật chất, chưa tổ chức, khai thác, phát huy hiệu quả; nội dung, phương thức hoạt động còn nghèo nàn…

Báo cáo cũng chỉ ra một số nguyên nhân của những hạn chế trên như dù có nhiều văn bản điều chỉnh Phong trào nhưng mới chỉ mang tính chỉ đạo, chưa được Luật hóa; tại một số Luật và Nghị định có quy định về nội dung trên, nhưng chỉ mang tính nguyên tắc; Nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng Phong trào của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa sâu sắc, chưa toàn diện; việc đôn đốc kiểm tra thực hiện Phong trào còn thiếu chủ động, phương pháp làm chưa đổi mới, chưa kiên quyết chấn chỉnh các biểu hiện buông lỏng quản lý trong bình xét các danh hiệu văn hóa, biện pháp khắc phục vẫn còn giải quyết tình thế, chưa triệt để;Công tác phối hợp giữa một số cơ quan thành viên chưa tích cực, chặt chẽ, thường xuyên; Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo một số địa phương không đủ cho các hoạt động của Phong trào; kinh phí đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa còn thiếu...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì Hội nghị

Để khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với việc bình xét, khen tặng các danh hiệu thi đua và tăng cường biện pháp triển khai thực hiện; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của phong trào; chủ động đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh các hạn chế trong quá trình thực hiện; Chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo chủ động, tích cực huy động được sự phối hợp của địa phương và quần chúng nhân dân đối với các nội dung hoạt động của phong trào, nhất là phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở; huy động được quần chúng nhân dân đồng thuận; Xây dựng cơ chế hoạt động của các thiết chế văn hóa. Đảm bảo kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo, kinh phí xây dựng và duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Xác định “Gia đình là tế bào của xã hội”, mục tiêu lớn là xây dựng gia đình văn hóa, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên. Một trong các giải pháp trọng tâm là tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” nhằm đưa việc bình xét, khen tặng và tôn vinh các danh hiệu văn hóa đạt hiệu quả và chất lượng.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 18 năm qua, phong trào đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đây là sợi dây gắn kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động trên toàn quốc.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của phong trào. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.

Thủ tướng tin tưởng, Hội nghị sẽ đưa ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sáng tạo để tạo ra một động lực mới, khí thế mới, phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để toàn dân chung sức, chung lòng thực hiện tốt phong trào, xây dựng nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng./.

Hoàng Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tong-ket-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa-giai-doan-2000-2018-364814.html