Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đạt gần 64,22 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đạt gần 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 cả nước ước đạt 64,22 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đạt gần 64,22 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng đầu năm 2024 tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng.

Cụ thể, xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi đạt 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất đạt 177 triệu USD, tăng 49,2%.

Về thị trường, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23%, tăng 106,9%; Mỹ chiếm 20,8%, tăng 95,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, tăng 47,5%.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu gạo, tôm, cá tra, cao su đều tăng trưởng 52,6 - 81% tùy mặt hàng; xuất khẩu hạt điều tăng tới 129%, rau quả tăng 112%, cà phê tăng 103%...

Đáng chú ý, trong danh sách chính thức về các doanh nghiệp trúng thầu vừa được Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố ngày 31/1/2024, Việt Nam trúng 8/17 gói thầu. Các doanh nghiệp Việt Nam, gồm Vinafood 1, Vinafood 2, Lộc Trời, Công ty TNHH lương thực Phát Tài, Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP Thực phẩm thiên nhiên King Green và Xuất nhập khẩu Kiên Giang đã trúng tổng cộng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 500.000 tấn của Indonesia.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo.

Trong công tác thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam… Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch....

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tong-kim-ngach-xuat-nhap-khau-thang-1-2024-dat-gan-6422-ty-usd-d46027.html