Tổng KTNN: Tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang rất nhức nhối

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhận định tình trạng trốn thuế, chuyển giá ngày càng nhức nhối, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc

Sáng 10/12, tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban TVQH, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội.

Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc nêu thực tế, qua hoạt động kiểm toán ngân sách, KTNN đối chiếu thuế đã phát hiện và kiến nghị tăng thu NSNN với số tiền thuế truy thu khá lớn.

Cụ thể, năm 2016, qua đối chiếu hơn 1.600 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp NSNN tăng thêm hơn 2.000 tỉ đồng.

Năm 2017, qua đối chiếu gần 2.500 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 47 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện hơn 2.300 trường hợp có sai phạm (tương đương 94%) và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm hơn 1.300 tỉ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, qua đối chiếu thuế hơn 1.400 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 24 tỉnh, thành phố, KTNN phát hiện gần 1.300 (tương đương 90%) trường họp có sai phạm và kiến nghị xác định nộp NSNN tăng thêm 443 tỷ đồng.

Cạnh đó, theo pháp luật thuế hiện hành đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế, đồng nghĩa với việc còn khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện.

“Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn NSNN”- ông Phớc nhấn mạnh và cho hay, thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco..., truy thu ngân sách hàng chuc nghìn tỉ đồng.

Một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý của dự luật Kiểm toán nhà nước là bổ sung quy định người nộp thuế và cơ quan thu thuế, tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản... vào đối tượng được kiểm toán. Nghĩa là ở đâu có tài chính công, tài sản công là ở đó phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý. Bởi thuế là nguồn thu của ngân sách nhà nước, nên nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế cần phải được kiểm toán.

Tuy nhiên, luật Kiểm toán nhà nước hiện nay quy định một số chủ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; các đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản,... không phải là đơn vị được kiểm toán, nên khi quyết định kiểm toán, kiểm toán nhà nước không thể thực hiện việc kiểm toán.

“Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng việc kiểm toán lại phải thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước nên rất khó khăn trong công tác kiếm toán”, ông Phớc nêu và cho biết, sự bất cập này đã khiến Kiểm toán nhà nước gặp không ít các trường hợp có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu…

Bên cạnh đó, cũng theo ông Phớc, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc kiểm toán thuế được thực hiện toàn diện bao gồm cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.

Từ đó, ông đề nghị bổ sung người nộp thuế, tổ chức tín dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản, tổ chức có hoạt động liên quan đến việc quân lỷ, sử dụng tài chính công, tài sản công vào quy định về các đơn vị được kiểm toán.

Hoài Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tong-ktnn-tinh-trang-tron-thue-chuyen-gia-dang-rat-nhuc-nhoi-d281692.html