Tổng liên đoàn Lao động và ĐH Tôn Đức Thắng: 'Tố' nhau nói sai

Về thông tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) yêu cầu Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) phải nộp 30% chênh lệch thu chi, hai đơn vị này vừa có thông tin cho báo chí và đều 'tố' nhau đã đưa ra những thông tin sai.

Tổng liên đoàn: TDTU nói sai

Về việc TDTU nói Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) “buộc”, “đòi” trường nộp 30% chênh lệch thu chi, TLĐLĐVN cho biết, năm 2017, Đoàn kiểm tra của TLĐLĐVN tiến hành kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường có kiến nghị: “TLĐLĐVN hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên TLĐLĐVN theo quy định”. Tại Quy định 1684 năm 2006 của TLĐLĐVN thì “đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Ngoài ra, trong văn bản góp ý của các ban TLĐLĐVN đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có tiếp tục nêu lại nội dung này, tuy nhiên căn cứ Quyết định 158 ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực TLĐLĐVN đã quyết định không thu của trường. Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của Đoàn kiểm tra và ý kiến của Ban chuyên môn TLĐLĐVN không phải là chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN. Hàng năm TLĐLĐVN cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào.

Về việc lãnh đạo nhà trường cho rằng TLĐLĐVN yêu cầu Trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế công đoàn (CĐ) là thông tin hoàn toàn sai sự thật. Thiết chế CĐ được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống tổ chức CĐ từ cơ sở đến TLĐLĐVN.

TDTU được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ TP HCM nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức CĐ và của TP HCM trong những năm đầu đổi mới, dù qua nhiều lần thay đổi nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức CĐ.

Theo điều 28 Luật CĐ, về tài sản thì khi TDTU chuyển giao về cho TLĐLĐVN Việt Nam năm 2008, tại biên bản bàn giao của UBND TP HCM ngày 23/9/2008 xác định đất và tài sản trên đất thuộc sở hữu của TLĐLĐVN, gồm: Cơ sở 1 tại địa chỉ 98 Ngô Tất Tố (phường 9, quận Bình Thạnh) có diện tích 2.800 m2; cơ sở 2 có diện tích 90.725 m2 tại phường Tân Phong (quận 7, TP HCM). Về tài sản trên đất nguyên giá theo biên bản bàn giao là hơn 80 tỷ đồng và giá trị còn lại là hơn 51 tỷ đồng. Sau đó TLĐLĐVN giao lại cho TDTU.

Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, TLĐLĐVN tiếp tục tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất, các khoản cấp, cho vay… Cụ thể: Giao quyền quản lý và sử dụng cơ sở tại 22 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phúc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 29.189 m2 và tài sản trên đất. Tài sản này được xác định trị giá mấy trăm tỷ đồng. Tiếp đó là cơ sở tại khóm 6, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau có diện tích 21.616 m2 trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Về hỗ trợ tài chính, TDTU được LĐLĐ TP HCM cấp hơn 8,3 tỷ đồng; được TLĐLĐVN cùng LĐLĐ TP HCM cho vay không tính lãi hơn 187 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2009-2015. Số tiền, tài sản mà TLĐLĐVN đã hỗ trợ TDTU là hàng nghìn tỷ đồng bao gồm nhiều hình thức: Cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất, chứ không phải duy nhất là hình thức cấp như một số báo nêu. Từ nguồn tài sản này, cùng với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, đến nay khối tài sản đã gia tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo TDTU, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có TLĐLĐVN như: Không đồng ý để Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán nhà trường và Kiểm toán nhà nước phải có công văn gửi TLĐLĐVN; Không đồng ý cho Đoàn kiểm tra của TLĐLĐVN kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật; sau khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra thì nhà trường tiếp tục phản ứng…

 Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: Internet.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ảnh: Internet.

TĐTU: Tổng liên đoàn nói không chính xác

Phản pháo lại những thông tin từ TLĐLĐVN, TDTU cho rằng thông tin mà TLĐLĐVN đã nêu là không đúng sự thật. Cụ thể Cơ sở Bình Thạnh, TPHCM do nhà trường mua vào cuối năm 1999 bằng vốn vay. Cơ sở quận 7, TPHCM (là đất trống) đã được UBND TPHCM giao cho trường. Lưu ý rằng thời điểm được giao khu đất này trường vẫn đang trực thuộc UBND TPHCM. Đến ngày 11/6/2008 trường mới chính thức đổi tên thành TDTU và chuyển về trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Việc xây dựng cơ sở trên đất của các cơ sở này từ nguồn vốn tự tích lũy và vốn vay ưu đãi. Thời điểm đó không có bất cứ tài sản nào trên đất theo nguyên giá là 81 tỷ đồng.

Về phần tài chính, trước đây lãnh đạo trường đã thông tin là tài trợ bằng tiền của Nhà nước và công đoàn từ khi thành lập đến nay cho trường. Tổng tài trợ là 295,5 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng đầu tư xây dựng cơ bản của nhà trường. Số liệu tài chính này không tính đến giá trị đất.

Theo đó, thông tin số tiền, tài sản mà TLĐLĐVN đã hỗ trợ TDTU hàng nghìn tỷ đồng là không chính xác. Khối tài sản đã gia tăng hiện nay 2.200 tỷ đồng là tài sản đầu tư trên đất, không bao gồm giá trị đất, các trường công, đại diện lãnh đạo nhà trường khẳng định.

Về kiểm toán, trường có văn bản xin đề nghị dời thời gian kiểm tra chứ không phải không đồng ý. Khi có dự thảo kết luận kiểm tra, trường phản hồi một cách đúng pháp luật và có căn cứ đối với những kết luận kiểm tra chưa chính xác. Đối với những kết luận kiểm tra chính xác, trường nghiêm túc tiếp thu và hoàn thiện (nếu có). “Vậy chẳng lẽ, mọi kết luận của đoàn kiểm tra, Nhà trường buộc phải tuân thủ cho dù kết luận đó không phản ánh đúng thực tế hoặc/và không đúng với quy định của Đảng, Nhà nước”, đại diện trường đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, Nhà trường cần làm rõ rằng TLĐLĐVN đã gửi văn bản số 1933/TLĐ ngày 29/11/2017 về việc yêu cầu trích nộp. Văn bản này không phải là văn bản của đoàn kiểm tra vì người ký văn bản thừa lệnh đoàn Chủ tịch (không phải là quyền của trưởng đoàn kiểm tra) và sử dụng con dấu chính thức của TLĐLĐVN. Trong văn bản này, TLĐLĐVN viện dẫn Quy định 1684/QĐ-TLĐ. Sau đó, TLĐ ban hành Quyết định 1712/QĐ-TĐT ngày 24/10/2016 của TLĐLĐVN đều có quy định phải nội dung phải trích nộp. Nếu lãnh đạo trường không phản đối mạnh mẽ, viện dẫn văn bản của Thủ tướng Chính phủ thì đã phải thực hiện.

Gần đây nhất, văn bản do chính Chủ tịch TLĐLĐVN phát đến từng thành viên Hội đồng trường tại cuộc họp ngày 23/4/2019 về Quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có yêu cầu Nhà trường phải chỉnh sửa quy chế, trong đó có nội dung phải thực hiện nghĩa vụ trích nộp tài chính cho TLĐLĐVN theo quy định. Tất cả các thành viên Hội đồng trường đều có thể xác nhận việc này.

Như vậy, việc cho rằng kiến nghị trích nộp chỉ là kiến nghị của đoàn kiểm tra là không đúng và vấn đề là ngay khi nhà trường phản ứng và có ý kiến từ năm 2017 và có ý kiến vào ngày 26/4/2019 (khi đoàn đại diện Hội đồng trường làm việc với TLĐLĐVN) mà TLĐLĐVN không phản hồi và khẳng định không buộc trích nộp. Phải đợi đến khi báo chí lên tiếng thì lãnh đạo TLĐLĐVN mới đính chính điều này, đại diện lãnh đạo TDTU nêu ý kiến.

Thảo DỊu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tong-lien-doan-lao-dong-va-dh-ton-duc-thang-to-nhau-noi-sai-106355.html