Tổng nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết tăng 7%

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng nợ vay của các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán (không bao gồm ngân hàng) đạt 616.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, chiếm 25,2% trong cơ cấu tổng tài sản.

Trong đó, vay và nợ tài chính ngắn hạn là 334,300 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 281.000 tỷ đồng. Riêng top 10 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất chiếm 38% tổng nợ vay toàn thị trường.

Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hoa Sen và Thành Thành Công – Biên Hòa là những đơn vị có nợ vay lớn nhất, chiếm trên 50% tổng tài sản.

Đáng chú ý nhất là trường hợp của Hoa Sen, tính đến cuối quý III/2018 (1/4-30/6/2018), tổng dư nợ vay của công ty ghi nhận hơn 15.880 tỷ đồng, với 12.420 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 3.460 tỷ đồng nợ dài hạn, gấp hơn 4 lần mức vốn góp chủ sở hữu 3.850 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay của Hoa Sen tăng không kiểm soát, riêng quý III ghi nhận tăng những 40% lên 190 tỷ đồng, tính lũy kế thì tăng một mạch từ mức 330 tỷ đồng lên hơn 577 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Theo đó, cổ phiếu HSG của Hoa Sen không mấy hấp dẫn nhà đầu tư. Với dòng tiền luôn thâm hụt, Hoa Sen luôn phải chạy đua doanh thu để vay nợ được nhiều. Hiện nay mức vay nợ của HSG đã đến mức báo động, trong khi lợi nhuận lại dậm chân tại chỗ.

Trên cả hai sàn, khoảng 70 doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản lớn hơn 50%. Nổi bật nhất là Than Hà Lầm - Vinacomin (HLC) sử dụng đòn bẩy tài chính ở tỷ lệ 75%, trong 4.026,6 tỷ đồng tài sản thì có đến 3.000 tỷ đồng được tài trợ bằng nợ vay. Nhựa Tân Phú (TPP) cũng có tỷ lệ nợ tương tự, tới 74%.

Thông thường đòn bẩy tài chính từng là vũ khí lợi hại của các doanh nghiệp, nhưng khi tỷ lệ quá cao sẽ khiến doanh nghiệp có nguy cơ mất cân đối tài chính.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng có nợ vay tăng mạnh như CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC) tăng gấp 10 lần từ con số 252 triệu đồng hồi đầu năm 2018 lên 253,3 tỷ đồng cuối quý II.

Tương tự, nợ vay ngắn hạn của Công ty Bất động sản Phát đạt (PDR) cũng tăng gấp 18,8 lần, từ 47 tỷ đồng hồi đầu năm lên 888 tỷ đồng.

Theo thuyết minh BCTC hợp nhất soát xét, đây là khoản vay được thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của các dự án The EverRich 2 và The EverRich 3 của nhóm công ty; quyền sử dụng đất tại khối Tân Mỹ, thành phố Hội An và quyền phát triển dự án khu Resort và Spa Marriott Hội An thuộc CTCP Khu Du lịch và Khách sạn Phát Đạt – Quảng Ngãi. Mục đích vay nhằm tài trợ cho việc đền bù, giải tỏa, nộp tiền sử dụng đất và chi trả tiền bồi thường cho bên thứ ba trong việc hoàn thiện pháp lý các dự án The EverRich 2 và The EverRich 3.

Tình trạng đi vay quá nhiều sẽ "đe dọa" mức an toàn tài chính của doanh nghiệp, kéo theo hệ lụy chưa phản ánh đúng chi phí lãi vay và góp phần tăng rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng.

Anh Minh

Nguồn Thương Gia: http://thuonggiaonline.vn/tong-no-vay-cua-cac-doanh-nghiep-niem-yet-tang-7-17572.htm