Tổng Thanh tra Chính phủ: Tham nhũng vẫn phức tạp!

Bên cạnh tham nhũng vặt thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức nhóm lợi ích, doanh nghiệp, sân sau, công ty gia đình đang bộc lộ cần được nhận diện đánh giá thực chất.

Trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 30-10, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ: "Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, nhận định tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay.

Bên cạnh tham nhũng vặt thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức nhóm lợi ích, doanh nghiệp, sân sau, công ty gia đình đang bộc lộ cần được nhận diện đánh giá thực chất. Tôi đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng mà báo cáo đã nêu trên”, đại biểu nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như toàn dân rất quan tâm. Thời gian qua với quyết tâm cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Quốc hội và Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, với sự quyết liệt tình hình tham nhũng được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm.

Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, tham nhũng vẫn phức tạp nên vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới. Nguyên nhân như các vị đã biết là có rất nhiều, trong đó có công tác tuyên truyền, hệ thống pháp luật, công tác phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý. Thời gian qua, với quyết tâm cao như vậy chúng ta làm được rất nhiều việc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn

Thời gian tới với tình hình này Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng kể cả Chính phủ cũng quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp.

Giải pháp thứ nhất, chúng ta tiếp tục tuyên truyền pháp luật để người dân, toàn hệ thống chính trị, đặc biệt cán bộ, công chức nắm vững Luật Phòng, chống tham nhũng và hệ thống pháp luật.

Giải pháp thứ hai, chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để làm sao đầy đủ toàn diện và đảm bảo kiểm soát tất cả hoạt động đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước của người có trách nhiệm liên quan đến cán bộ, công chức nhà nước.

Giải pháp thứ ba, trong hoàn thiện pháp luật, điều đầu tiên là phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để kỳ họp lần này Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vì trong đó có nhiều giải pháp, khắc phục hạn chế, từ những giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý, đặc biệt kê khai tài sản và xử lý những tài sản chúng ta không giải trình được một cách hợp lý.

Tăng cường cả hệ thống chính trị tham gia vào việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, kể cả nhân dân và báo chí để làm sao hạn chế thấp nhất tình hình tham nhũng, để góp phần làm trong sạch bộ máy và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Nhất trí với trả lời của Tổng thanh tra Chính phủ, nhưng đại biểu Trần Văn Mãi cho rằng, chúng ta làm rất nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng chung trong cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, một thực trạng Ủy ban Tư pháp đánh giá đó là bên cạnh tham nhũng vặt thì lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng lộ diện.

“Vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các giải pháp căn cơ nào, chỉ một vài giải pháp thôi để làm thế nào để giảm hoặc đẩy lùi các doanh nghiệp sân sau, gia đình này ngày càng phát triển như nhận định của Ủy ban Tư pháp?”, đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-tham-nhung-van-phuc-tap-125878.html