Tổng thống Biden gia hạn lệnh trừng phạt đối với Iran

Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định gia hạn sắc lệnh khẩn cấp quốc gia liên quan đến Iran, tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt chống Tehran.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hôm 5/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với Iran. Tuyên bố khẩn cấp do Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đưa ra vào năm 1979 trong cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran.

Tổng thống Biden nhấn mạnh hành động và chính sách của Iran tiếp tục gây ra mối đe dọa bất thường cho an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ.

Nhà lãnh đạo cáo buộc Tehran phát triển và phổ biến tên lửa cũng như các loại vũ khí thông thường khác, duy trì mạng lưới và chiến dịch xâm lược khu vực, hậu thuẫn các nhóm khủng bố và cho các hoạt động gây hấn của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.

Cùng ngày, lãnh đạo Nhà Trắng gửi một lá thư riêng rẽ cho Chủ tịch Thượng viện Kamala Harris và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định, về mặt kỹ thuật, ông đã gia hạn một tuyên bố khẩn cấp năm 1995, vốn cấm đầu tư vào các công ty dầu mỏ hoặc vào các mỏ nhiên liệu của Iran. Thực tế, Mỹ đã triển khai tình trạng khẩn cấp như vậy kể từ năm 1979, khi Cách mạng Hồi giáo Iran nổ ra, lật đổ Mohammed Reza Shah, vị vua thân phương Tây.

Động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng đang diễn ra liên quan đến khả năng Mỹ quay lại Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA). Đây là một thỏa thuận bao gồm 8 bên ký kết năm 2015, trong đó có Iran quy định quốc gia này tuân thủ giới hạn làm giàu urani để đổi lấy dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Căng thẳng giữa hai nước leo thang sau khi chính quyền của người tiền nhiệm ông Biden đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Biden bày tỏ sẵn sàng khôi phục thỏa thuận nhưng đòi hỏi Tehran phải tuân thủ nghiêm JCPOA trước tiên. Ngược lại, chính phủ Iran đòi Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt trước. Không bên nào chịu nhượng bộ khiến mối quan hệ song phương tiếp tục bế tắc.

H.M. (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/tong-thong-biden-gia-han-lenh-trung-phat-doi-voi-iran-576125.html