Tổng thống Donald Trump còn những vũ khí gì để trị Trung Quốc?

Với việc đánh thuế và cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, Mỹ đã bắn 'đại bác' và 'tên lửa' trong cuộc chiến thương mại. Tổng thống Donald Trump còn trong tay những vũ khí gì?

Chỉ trong hơn một tuần qua Tổng thống Trump đã khai hỏa hai vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Đó là đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và chính thức đưa Bắc Kinh vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ".

Theo Bloomberg, giới quan sát nhận định ông Trump có thể biến USD - đồng tiền dự trữ quốc tế - thành vũ khí. Tuần trước, ông liên tục kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất để hạ giá đồng USD, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ.

Nguồn tin Bloomberg cho biết trong nội bộ Nhà Trắng, các cố vấn quyết liệt chống Trung Quốc kêu gọi Bộ Tài chính Mỹ trực tiếp can thiệp vào thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, chưa rõ việc FED can thiệp có phát huy tác dụng hay không.

Tổng thống Donald Trump còn nhiều cách để trừng phạt Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Tổng thống Donald Trump còn nhiều cách để trừng phạt Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Thuế chồng thuế

Nếu cả FED và Bộ Tài chính Mỹ cùng hành động, hai cơ quan này cũng chỉ có trong tay 180 tỷ USD tiền mặt. Chừng đó là không đủ để tạo chấn động trên thị trường ngoại hối toàn cầu trị giá 5.000 tỷ USD/ngày.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng sở hữu một "kho vũ khí" cực lớn và vẫn còn trong tay rất nhiều công cụ để tấn công Trung Quốc. "Ông Trump mới chỉ thò nhẹ tay vào kho chứa các loại vũ khí chống Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời chuyên gia thương mại Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.

Ông Trump có thể tiếp tục "nã đại bác thuế", ví dụ như tăng thuế trừng phạt lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, bắt đầu từ ngày 1/9. Tất nhiên biện pháp này sẽ khiến giá đồng NDT tiếp tục giảm sâu.

Với việc Trung Quốc bị cáo buộc "thao túng tiền tệ", chính quyền Mỹ có thể áp thêm nhiều loại thuế trừng phạt khác. Chuyên gia Hufbauer cho biết Nhà Trắng hoàn toàn có thể chặn dòng đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ.

Theo Viện nghiên cứu Rhodium Group, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm gần 90% từ 46,5 tỷ USD năm 2016 xuống còn 5,4 tỷ USD năm 2018.

Tổng thống Donald Trump có thể tăng thuế đánh lên hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Tiếp theo, Mỹ sẽ rút bỏ những điều khoản cho phép Bắc Kinh tiếp tục mua dầu thô từ Iran và Venezuela. Tổng thống Trump khôi phục các biện pháp cấm vận Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong 8 quốc gia hưởng quyền miễn trừ, được phép tiếp tục mua dầu của Iran cho tới tháng 5/2019. Ngày 22/7, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa công ty Zhuhai Zhenrong của Trung Quốc vào danh sách các doanh nghiệp bị trừng phạt vì làm ăn với Iran.

Nhà Trắng đã tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei Technologies sau khi Trung Quốc thông báo ngừng nhập nông sản Mỹ. Nếu ông Trump mạnh tay, Mỹ sẽ cấm cửa hoàn toàn Huawei Technologies và một công ty Trung Quốc khác là ZTE Corp.

Đây là cú đòn mạnh giáng vào ngành công nghệ Trung Quốc. Bởi hiện tại, các công ty Trung Quốc chưa đủ trình độ sản xuất chip và thiết bị công nghệ lõi có chất lượng sánh ngang hàng Mỹ.

Vẫn còn nhiều súng đạn

"Trung Quốc sẽ rất khó tiếp cận các công nghệ hiện đại của phương Tây. Như vậy, sẽ không dễ để Trung Quốc theo kịp trình độ phát triển của phương Tây", chuyên gia Patrick Hofman, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

Các quan chức Washington cho biết ông Trump có thể khôi phục lại hàng loạt biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán thương mại, Nhà Trắng tạm thời ngừng sử dụng những biện pháp này. Một trong số đó là lệnh cấm vận các công ty Trung Quốc cung cấp thiết bị cho chiến dịch giám sát an ninh tại Tân Cương.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đang lên danh sách các ngành công nghiệp mới bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Ví dụ các công ty robot và trí tuệ nhân tạo Mỹ sẽ phải xin giấy phép đặc biệt - rất khó được cấp - để có thể bán sản phẩm sang Trung Quốc.

Cố vấn Nhà Trắng Michael Pillsbury cho biết ngoài ra, ông Trump còn có trong tay "nhiều loại súng đạn khác". Ông khẳng định những đòn tấn công liên tiếp của ông Trump thời gian qua đã buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong một số lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, Bắc Kinh đã phải thành lập tòa án bản quyền sở hữu trí tuệ hồi đầu năm 2019.

Việc Trung Quốc bị đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sẽ mở đường cho Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. Ảnh: Getty Images.

Dù vậy, ông Pillsbury cho biết bản thân ông Trump "có quan điểm thực dụng hơn các cố vấn về vấn đề Trung Quốc". Trên thực tế, ông chủ Nhà Trắng vẫn muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh để hạ nhiệt xung đột.

Ông Pillsbury cho rằng hai bên có thể tháo ngòi căng thẳng theo hướng Mỹ sẽ gỡ bỏ một số loại thuế trừng phạt, đổi lại Bắc Kinh cho phép các công ty đầu tư Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục mua nông sản Mỹ. Ông mô tả đây là thỏa thuận "hợp lý".

Giới quan sát nhận định chiến tranh thương mại sẽ diễn biến như thế nào tùy thuộc vào các nước cờ của ông Trump. Ngoài ra, diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể ảnh hưởng đến quyết định của ông chủ Nhà Trắng.

"Tổng thống rất bực bội với Trung Quốc. Ông đã mở cánh cửa để các nhân vật chống Trung Quốc thực hiện hàng loạt hành động mạnh tay", chuyên gia Derek Scissors thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định. "Có điều, họ còn đang rối".

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tong-thong-donald-trump-con-nhung-vu-khi-gi-de-tri-trung-quoc-post977834.html