Tổng thống Duterte xuống nước làm lành với Mỹ

Sau 5 năm xích lại gần Trung Quốc để phát triển kinh tế, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte vỡ mộng và phải quay sang hòa giải với đồng minh lâu năm là Mỹ.

Năm năm trước, Tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa chấm dứt quan hệ liên minh lịch sử giữa Philippines và Mỹ. Thậm chí, tranh cãi về nhân quyền xoay quanh cuộc chiến ma túy khiến nhà lãnh đạo Philippines thóa mạ cả Tổng thống Barack Obama.

Nhưng lúc này, trong những ngày cuối của nhiệm kỳ tổng thống, ông Duterte đã điều chỉnh chiến lược, với một giọng điệu khác.

Tổng thống Duterte công khai cảm ơn Tổng thống Joe Biden vì trợ giúp Philippines ứng phó dịch bệnh, khôi phục Thỏa thuận Các lực lượng viếng thăm (VFA), cũng như ủng hộ nâng cấp quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, theo South China Morning Post.

Bước đi với Trung Quốc không thành

Ngay từ trước cuộc bầu cử năm 2016, ông Duterte nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển sự ưu tiên sang Trung Quốc dù có thể gây tổn hại cho các liên minh truyền thống, đặc biệt là Mỹ. Thời điểm ông Duterte lên nắm quyền, không mấy người thực sự để tâm tới tuyên bố này của tân tổng thống.

Việc Duterte quay ngoắt với Washington có nhiều lý do, như thái độ bất bình và ác cảm với Mỹ của bản thân tổng thống, cũng như từ sự thực dụng mang tính chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong nhiều năm, ông Duterte liên tục chất vấn sự khả tín của nước Mỹ với tư cách một đồng minh, đặc biệt trong xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông. Trước khi giành chiến thắng cuộc bầu cử, ông Duterte nói thẳng "muốn Trung Quốc giúp đỡ phát triển đất nước".

Dù đa phần người Philippines có thiện cảm với Mỹ, họ cũng có chung quan điểm thực dụng như ông Duterte, theo nhận định của giáo sư Richard Javad Heydarian tại Đại học Bách khoa Philippines.

 Tổng thống Duterte muốn dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Duterte muốn dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc thăm dò dư luận năm 2017, khoảng 50% người Philippines được hỏi cho biết họ nghi ngờ, thậm chí cho rằng liên minh với Mỹ không mang lại lợi ích cho Philippines trong tranh chấp Biển Đông.

Một thăm dò khác do Pew Research Centre tiến hành cho thấy số người Philippines ủng hộ tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc tăng từ 43% năm 2015 lên 67% khi ông Duterte nắm quyền.

Bởi lẽ đó, "chẳng có gì ngạc nhiên khi việc chính quyền Duterte quay sang nồng ấm với Bắc Kinh, rút khỏi thỏa thuận VFA với Mỹ, cũng như xung đột ngoại giao với Washington về vấn đề nhân quyền, mà không vấp phải phản ứng từ công chúng Philippines", theo giáo sư Heydarian.

Thế nhưng, mọi chuyện không như ông Duterte mong đợi. Trong những tháng gần đây, chính quyền Tổng thống Duterte phải một lần nữa xoay chuyển chính sách.

Ông Duterte từng kỳ vọng vào những khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn từ Trung Quốc. Nhưng phần lớn những lời hứa của Bắc Kinh chỉ nằm trên giấy.

Philippines và Trung Quốc không thể đạt được bất cứ nhượng bộ lâu dài nào nhằm kiềm chế xung đột, trong đó có thỏa thuận khai thác chung trên Biển Đông.

Hậu quả là Tổng thống Duterte "trắng tay", không thể trưng ra bất cứ thành tựu đáng kể nào trong quan hệ với Trung Quốc khi bầu cử đã đến gần.

Trong khi đó, Mỹ một lần nữa nhấn mạnh cam kết với Philippines, tuyên bố sát cánh bên đồng minh nếu binh sĩ, tàu thuyền hay máy bay của Manila bị tấn công trên Biển Đông.

Hàng loạt sự vụ trên Biển Đông đã thổi bùng tâm lý chống Trung Quốc ở Philippines. Đây không phải những sự cố nhỏ, như vụ tàu bán quân sự Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines năm 2019.

Việc tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục tấn công tàu cá Philippines khiến công chúng nước này bất bình. Trong cuộc khảo sát năm 2019, 9 trên 10 người được hỏi cho rằng chính quyền Tổng thống Duterte cần giành lại quyền kiểm soát các đảo đang bị Trung Quốc kiểm soát, đặc biệt là bãi cạn Scarborough.

Liên minh với Mỹ đã trở lại

Lúc này, giới quân sự và ngoại giao Philippines đã giành lại ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của nước này. Các lãnh đạo quân đội Philippines ủng hộ tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh lâu năm, đặc biệt là Mỹ, trong chống khủng bố và an ninh hàng hải.

Trong khi đó, giới ngoại giao kiên quyết phản đối thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc, bởi có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và Ngoại trưởng Teodoro Locsin công khai chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ quan hệ quốc phòng sâu sắc hơn với Mỹ.

Đầu năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm hiệp ước phòng thủ chung Philippines - Mỹ, hai bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Philippines đã tới thăm Washington và gặp các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden.

Với việc khôi phục thỏa thuận VFA, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines cũng nhất trí triển khai tất cả thỏa thuận quốc phòng song phương then chốt.

Lầu Năm Góc giờ đây đã có thể tái triển khai lượng lớn binh sĩ và khí tài quân sự tới các căn cứ ở Philippines gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Ảnh: DFA.

Philippines và Mỹ nhất trí khôi phục đối thoại chiến lược cũng như các cuộc họp cấp cao trong những tháng tới. Manila đang đàm phán thỏa thuận mua chiến đấu cơ F-16 của Washington. Hai nước cũng đang đàm phán một thỏa thuận khung về an ninh hàng hải.

Mới đây, lãnh đạo quân đội Philippines cho biết Manila và Washington sẽ khôi phục các cuộc tập trận chung thường niên Balikatan. Bên cạnh đó, hai nước dự kiến triển khai hơn 300 hoạt động và diễn tập chung trong năm 2022. Đây là quy mô hợp tác lớn nhất trong lịch sử của Mỹ với các đồng minh ở châu Á.

Tổng thống Biden dự kiến chủ trì cuộc họp cấp cao với Tổng thống Duterte bên lề hội nghị cấp cao ASEAN tháng 11 tới, nhằm thúc đẩy quá trình khôi phục quan hệ song phương đang diễn ra.

Duy Anh

Theo SCMP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-duterte-xuong-nuoc-lam-lanh-voi-my-post1272594.html