Tổng thống Hàn Quốc và sứ mệnh thúc đẩy quan hệ liên Triều

Ngày 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon jae-in tuyên bố chính phủ của ông sẽ thúc đẩy hợp tác một cách thiết thực và khả thi với Triều Tiên trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ mang lại những 'bước đột phá' mới trong quan hệ hai miền.

Hàn Quốc tìm kiếm “bước đột phá” trong quan hệ với Triều Tiên

Trong thông điệp đưa ra nhân kỷ niệm 2 năm ngày diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom (27/4/2018 – 27/4/2020), ông Moon Jae-in nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” cho tới khi một số vấn đề được cải thiện, trong đó gồm cả việc khai thông tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang đình trệ.

Phát biểu tại cuộc họp với các cố vấn Nhà Xanh, ngày 27/4, Tổng thống Moon Jae-in cũng cam kết sẽ tìm ra những phương thức thiết thực và khả thi cho mối quan hệ hợp tác Nam-Bắc. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Hàn Quốc thì cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể sẽ mở ra cơ hội mới để cải thiện mối quan hệ liên Triều.

“Vào thời điểm hiện tại thì đây là nhiệm vụ cấp bách và lớn lao nhất… Việc hợp nhất miền Nam và miền Bắc thành một cộng đồng đơn nhất sẽ đóng vai trò nền tảng để tiến tới một cộng đồng hòa bình” – ông Moon Jae-in nói.

Ông Moon Jae-in khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19. Đây có thể là khởi điểm cho việc mở rộng hợp tác hai miền nhằm cùng nhau giải quyết vấn đề bệnh truyền nhiễm ở vật nuôi, thảm họa tự nhiên tại khu vực biên giới và biến đổi khí hậu. Hàn Quốc cũng sẽ hành động tất cả những gì có thể để tái khởi động dự án đường sắt liên Triều.

Trước đó cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc phụ trách các mối quan hệ với Triều Tiên đã tổ chức một buổi lễ mang tính biểu tượng để tái khẳng định cam kết đối với việc nối lại hai tuyến đường sắt liên Triều chạy dọc khu phi quân sự giữa hai miền (DMZ). Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng mà các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã đạt được trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở làng đình chiến Panmunjom vào ngày 27/4/2018. Tháng 12/2018, hai bên đã tổ chức lễ động thổ dự án này ở thị trấn biên giới Kaesong. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được khởi động trên thực tế do những trở ngại từ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Lệnh trừng phạt quốc tế - rào cản mối quan hệ liên Triều

Cho tới nay Triều Tiên đã phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hà khắc từ cộng đồng quốc tế liên quan tới các hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân của nước này. Còn về phía Hàn Quốc lại chủ trương ưu tiên nối lại các chương trình hợp tác liên Triều mà không làm suy yếu các lệnh trừng phạt hoặc nhận được các lệnh miễn trừ có điều kiện.

Trong suốt một năm qua, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chờ đợi vào những kết quả rõ ràng từ tiến trình đàm phán Mỹ - Triều, tuy nhiên mọi thứ lại diễn ra không như mong muốn. Chính vì thế, những thông điệp mới nhất do ông Moon Jae-in phát đi nhân dịp tròn 2 năm ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử lần đầu tiên đã phản ánh quyết tâm của nhà lãnh đạo này trong việc đưa mối quan hệ hợp tác Bắc-Nam về đúng quỹ đạo, đồng thời thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân đang đình trệ.

Nhắc lại thời khắc lịch sử khi bước qua đường ranh giới quân sự (MDL) để đặt chân sang lãnh thổ Triều Tiên khi tiếp đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ 2 năm về trước, ông Moon Jae-in nhấn mạnh: “Tuyên bố Panmunjom đã mở ra cánh cửa của một nền hòa bình không thể đảo ngược”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng chỉ ra rằng, những gì diễn ra trong hai năm qua cho thấy, hòa bình không phải là thứ có thể đạt được trong sớm chiều.

Tổng thống Moon Jae-in nhận định việc có ít tiến bộ đạt được sau Tuyên bố Panmunjom không phải do hai miền Triều Tiên thiếu cam kết hành động, mà là do thất bại trong việc vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế hiện nay. “Chúng ta không thể chỉ chờ đợi các điều kiện được cải thiện…Chúng ta phải tiếp tục hành động dù là những điều nhỏ nhất có thể trong bối cảnh thực tế phức tạp” - nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói.

Theo ông Moon Jae-in thì ngay sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy kế hoạch đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), đồng thời kêu gọi hai miền Triều Tiên tiếp tục dự án khai quật hài cốt binh sỹ thiệt mạng trong chiến tranh. Trong lời phát biểu cùng ngày, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhắc lại mong muốn biến DMZ thành một khu vực hòa bình và lưu ý 2020 là năm đánh dấu tròn 70 năm nổ ra chiến tranh Triều Tiên.

Tuyên bố Panmunjom: Liệu có được viết tiếp sau 2 năm dang dở?

Cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra cách đây tròn 2 năm được đánh giá là một “bước đột phá lịch sử”, với kết quả thành công ngoài mong đợi khi hai bên ký Tuyên bố chung Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, trong đó khẳng định các cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền.

Với cá nhân ông Moon Jae-in, việc thúc đẩy những thành tựu đạt được trong cải thiện mối quan hệ liên Triều được xem là “một dấu ấn” của nhiệm kỳ Tổng thống và mở ra cơ hội để ông tiếp tục hâm nóng vai trò trung gian hòa giải Mỹ - Triều.

Đối với mối quan hệ liên Triều thì cuộc gặp thượng đỉnh này đã mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai miền, cùng với những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và thiết lập nền tảng hòa bình lâu dài tiếp tục được củng cố bởi hai cuộc hội ngộ vào tháng 5/2018 và tháng 9/2018 giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước.

Còn đối với thế giới, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên ở Panmunjom mang ý nghĩa là một “chất xúc tác” hay “đòn bẩy ngoại giao” để các lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên phá vỡ mọi định kiến và “xích lại gần nhau ở mức chưa từng có tiền lệ”, cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh lịch sử lần đầu tiên tại Singapore ngày 12/6/2018 và tiếp sau đó là ở Hà Nội vào tháng 2/2019.

Dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong hai năm qua, mục tiêu thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên vẫn gặp nhiều trắc trở, tiến trình đàm phán hạt nhân đang bế tắc trong khi những động thái quân sự của Triều Tiên vẫn còn đang tiếp diễn. Những kết quả bước đầu nhằm “hâm nóng” mối quan hệ liên Triều trong trạng thái “nguội lạnh” từ nhiều thập niên qua có tiếp tục được phát huy hay chỉ “dậm chân tại chỗ” là điều phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan bởi “một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ”. Đây cũng là yếu tố quyết định liệu Tuyên bố Panmunjom có tới điểm đến cuối sau quãng đường 2 năm, hay việc viết nên trang sử mới trong mối quan hệ liên Triều vẫn chỉ là một câu hỏi ngỏ./.

Thu Lan

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/tong-thong-han-quoc-va-su-menh-thuc-day-quan-he-lien-trieu-553748.html