Tổng thống Indonesia nhậm chức: Sóng gió ở phía trước

Chiến thắng không dễ dàng trong cuộc bầu cử tháng Tư vừa qua chỉ là khởi đầu trong hành trình gian lao mới của ông Joko Widodo. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Ông Joko Widodo sẽ có một nhiệm kỳ Tổng thống không hề dễ dàng. (Nguồn: Reuters)

Ngày 20/10, ông sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai tại tòa nhà Quốc hội ở trung tâm thủ đô Jakarta, dưới sự chứng kiến của các nghị sỹ cùng lãnh đạo nhiều nước trong khu vực và quốc tế như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Theo lời mời của Indonesia, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ tham dự sự kiện này.

Chiến thắng của ông Joko Widodo trong cuộc bầu cử vừa qua đã được báo trước, song đối thủ của ông, Tướng Prabowo Subianto, cũng tạo ra những khó khăn nhất định. Tranh cãi về phiếu bầu đã qua, nhưng Tổng thống đắc cử không có nhiều thời gian để vui mừng, khi ông tiếp quản đất nước trong giai đoạn đầy thách thức.

Về chính trị, ông Joko Widodo đã công bố kế hoạch dời thủ đô về đảo Borneo, khu vực Đông Kalimantan. Quyết định của ông Widodo là táo bạo nhưng cần thiết, khi thành phố Jakarta, với dân số hơn 10 triệu cùng diện tích có hạn, đang phải đối mặt nhiều vấn đề, từ ô nhiễm nghiêm trọng, ùn tắc giao thông, lũ lụt, với nhiều phần đang dần bị nước biển nhấn chìm.

Tuy nhiên, chuyển thủ đô tới Borneo, nơi nổi tiếng với cây cối rậm rạp, sẽ gia tăng nguy cơ cháy rừng, để lại hậu quả nghiêm trọng tới môi trường, đe dọa đời sống của động vật tự nhiên và cư dân bản địa. Ngoài ra, quyết định này chưa chắc đã giải quyết được những vấn đề môi trường mà Jakarta đang phải đối mặt. Chính phủ Indonesia đã thuê McKinsey, công ty tư vấn hàng đầu thế giới, khảo sát tính khả thi của dự án. Ước tính, bước chuyển mình táo bạo trên sẽ tiêu tốn 33 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ khi nền kinh tế Indonesia tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức.

Về kinh tế, quý II năm 2019, nền kinh tế Indonesia tăng trưởng ở mức 5,05%, thấp nhất kể từ giữa năm 2017 và chưa thể bật khỏi ngưỡng 5% kể từ năm 2014. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục ẩn chứa nhiều rủi ro với nền kinh tế Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo con số này có thể tụt xuống còn 4,9% năm 2020 và 4,6% năm 2022.

Về an ninh - xã hội, tính đến ngày 9/5, cuộc bầu cử tháng Tư vừa qua đã khiến 569 người thiệt mạng trong quá trình kiểm phiếu và để lại nhiều dư âm. Ngày 10/10, ngay khi bước xuống ô tô tại khu Pandeglang, tỉnh Banten thuộc đảo Java, Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto đã bị hai kẻ lạ mặt tấn công bằng dao, song đã qua cơn nguy kịch. Hung thủ được xác định là một cặp vợ chồng có tư tưởng Hồi giáo cực đoan sau thời gian dài tiếp xúc với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc người phụ trách mảng an ninh quốc gia bị tấn công đã khiến nhiều người dân không khỏi hoang mang.

Trong bối cảnh hỗn loạn đó, Chính phủ Indonesia đã thắt chặt an ninh, điều động 30.000 nhân sự từ Quân đội Vũ trang Indonesia (TNI) và Cảnh sát Quốc gia thiết lập các chốt chặn trước, trong và sau lễ nhậm chức.

Indonesia cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích sau khi ban hành các điều luật hình sự hóa quan hệ tình dục đồng giới và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Quyết định này đã gặp phải sự phản đối của một bộ phận người dân cùng cộng đồng quốc tế. Cuối tháng Chín, giới học sinh, sinh viên đã tiến hành biểu tình cục bộ tại các thành phố lớn, trong đó có Jakarta, nhằm phản đối việc phê chuẩn dự luật tranh cãi này.

Đây là những thách thức khó nhằn mà ông Widodo cần vượt qua, nhằm chứng minh bản lĩnh người cầm lái, thỏa lòng ước vọng mà xứ vạn đảo đã dành cho ông.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-indonesia-nham-chuc-song-gio-o-phia-truoc-102850.html