Tổng thống Iran thăm Nhật Bản

Tổng thống Iran Hassan Rouhani dự kiến sẽ thăm Nhật Bản vào ngày 20-12 sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước Hồi giáo ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Iran đến xứ hoa anh đào trong hai thập kỷ qua.

Tổng thống Iran Rouhani (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Abe trong cuộc gặp hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Tổng thống Iran Rouhani (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Abe trong cuộc gặp hồi tháng 6. Ảnh: AFP

Ali Rabiei, người phát ngôn Chính phủ Iran, cho biết: "Chuyến thăm của Tổng thống Rouhani đến Nhật không liên quan tới vấn đề đàm phán với Mỹ". Theo ông Rabiei, các cuộc thảo luận sẽ chủ yếu tập trung vào "mở rộng quan hệ kinh tế" giữa hai nước. Trong khi đó, trong cuộc họp báo tại thủ đô Tehran hôm 16-12, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi nói rằng chuyến thăm kéo dài một ngày của Tổng thống Rouhani sẽ có cường độ làm việc cao. Nó diễn ra giữa lúc Tehran đối mặt áp lực lớn nhất từ Washington.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tiết lộ, Tổng thống Rouhani và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tập trung thảo luận các vấn đề ở khu vực Trung Đông, Đông Á cũng như thỏa thuận hạt nhân có tên "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA) được ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức.

Chuyến thăm của Tổng thống Rouhani đến Nhật được xem là nỗ lực của Tokyo trong việc giải quyết tình trạng bế tắc hạt nhân giữa Tehran và Washington và giải tỏa căng thẳng ở Trung Đông, nơi Nhật Bản nhập khẩu hơn 80% lượng dầu. Vốn là đồng minh của Mỹ nhưng lại có mối quan hệ thân thiện với Iran, Nhật Bản đang tìm cách làm trung gian hòa giải giữa Washington và Tehran. Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái quyết định rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, ngăn nước này bán dầu thô ra nước ngoài, khiến nền kinh tế Iran tê liệt, đồng thời khiến Tehran giảm dần cam kết đối với JCPOA.

Hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Abe là nhà lãnh đạo Nhật đầu tiên sang thăm Iran kể từ năm 1978 trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông Abe khi đó tuyên bố sẽ nỗ lực "nhiều nhất có thể để giúp giảm căng thẳng" ở Trung Đông. Tuy nhiên, sứ mệnh hòa giải của ông đã không đạt được kết quả như mong đợi, khi cả Mỹ và Iran đều đưa ra thông điệp không tích cực trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Nhật Bản từng là bên mua dầu thô lớn của Iran nhưng phải ngừng nhập khẩu sau lệnh cấm vận của chính quyền Trump. Một tàu chở dầu của Nhật từng bị tấn công tại Vùng Vịnh và được cho có vai trò của Iran. Tuy nhiên, Nhật từ chối đề nghị của Mỹ tham gia liên minh an ninh hàng hải tại Trung Đông vì lo ngại tác động quan hệ với Iran. Đại sứ Nhật tại Tehran Mitsugu Saito cho biết các công ty Nhật vẫn đang hoạt động ở Iran và hy vọng tương lai quan hệ giữa hai nước sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai.

Nga, Trung Quốc đề xuất nới lỏng trừng phạt Triều Tiên

Ngày 16-12, Nga và Trung Quốc đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó đề xuất nới lỏng trừng phạt Triều Tiên để khuyến khích đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington đang theo dõi sát sao các hoạt động tại Triều Tiên và ông sẽ thất vọng "nếu điều gì đó đã được tiến hành" ở nước này.
Ông Trump đưa ra phát biểu trên sau khi Triều Tiên thông báo đã tiến hành hai vụ thử "rất quan trọng" tại bãi phóng vệ tinh Sohae, còn được biết đến là bãi Dongchang-ri.

TRÍ VĂN (Theo Japan Today, Military Times)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tong-thong-iran-tham-nhat-ban-a116258.html