Tổng thống Nga Putin: Kích điểm chốt, chuyển toàn cục

Tổng thống Nga Putin vừa thăm Italy, gặp gỡ Giáo hoàng Francis, trong khi EU vẫn đối đầu với Nga sau sự kiện Crimea. Sách lược của ông Putin với Italy và Nhà thờ Thiên chúa giáo là gì? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Tổng thống Putin với EU: Kích điểm chốt, chuyển toàn cục. (Nguồn: Pinterest)

Tổng thống Nga Vladimir Putin chẳng khác gì "cầu được, ước thấy" với chuyến công du Italy lần này.

Ở Italy, ông Putin đã nghe được từ Thủ tướng quốc gia thành viên EU này Giuiseppe Conte những gì muốn nghe về đánh giá quan điểm chính sách của EU đối với Nga.

Ở Italy, ông Putin gặp Giáo hoàng Francis lần thứ 3 - sau năm 2013 và 2015. Việc chính trị gia trên thế giới 3 lần gặp cùng Giáo hoàng đương nhiệm là chuyện xưa nay vô cùng hiếm.

Tất cả những động thái ấy chẳng phải rất tích cực và tốt lành cho mối quan hệ của Nga với Italy và với Tòa thánh Vatican hay sao? Thông qua Italy và Tòa thánh Vatican, chẳng phải ông Putin có thể tác động được trực tiếp đến mối quan hệ giữa Nga và EU hay sao?

Mắt xích yếu nhất

EU hiện gây căng thẳng và đối đầu Nga với lý do nước này tiếp nhận Crimea - mà EU sử dụng động từ khác cho việc làm này - và hậu thuẫn phe nổi dậy ly khai chống chính phủ ở Ukraine. EU đã tiến hành và hiện duy trì nhiều biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư, đi cùng với nỗ lực cô lập Nga về chính trị trong chừng mực nhất định. Những biện pháp chính sách này của EU tuy không khuất phục được Nga nhưng cũng gây khó khăn phức tạp không hề nhỏ và không phải không tai hại gì đối với Nga.

Italy là một trong những thành viên EU không đồng tình với quan điểm chính sách này của EU đối với Nga. Tuy chưa đến mức như "Con ngựa thành Troy" của Nga trong EU nhưng Italy cùng một vài thành viên khác nữa cũng đã co cụm thành một nhóm không hoàn toàn đồng hành với EU trong chính sách và quan hệ với Nga. Tức là trong nội bộ EU không có sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động về Nga.

Bởi thế, không có gì là khó hiểu khi ông Putin lâu nay đặc biệt nhằm vào những thành viên này của EU - những mắt xích yếu nhất trong đội ngũ EU liên quan đến chính sách và quan hệ của EU với Nga - để dần vô hiệu hóa những biện pháp trừng phạt và đối đầu của EU. Ông Putin dùng chính những thành viên này để tạo dựng từ bên trong EU đòi hỏi và áp lực thôi thúc EU bình thường hóa trở lại quan hệ với Nga.

Lãnh địa chưa xâm nhập được

Cho tới nay, người đứng đầu Nhà thờ Thiên chúa giáo chưa từng có lần nào thăm Nga. Nhà thờ chính thống Nga đã ly khai Nhà thờ Thiên chúa giáo từ cả ngàn năm trước và mãi đến năm 2016 vừa qua, lần đầu tiên sau hơn 1000 năm, mới có cuộc gặp giữa Giáo hoàng của Nhà thờ Thiên chúa giáo và người đứng đầu Nhà thờ chính thống Nga. Sự kiện này diễn ra ở thủ đô Havanna của Cuba.

Rất nhiều vị Giáo hoàng của Nhà thờ Thiên chúa giáo muốn tới thăm Nga nhưng đều chưa được mời. Giữa Nhà thờ Thiên chúa giáo và Nhà thờ chính thống Nga từ rất nhiều thế kỷ nay rồi đã có cuộc cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt. Ảnh hưởng của Nhà thờ chính thống Nga ở Nga rất mạnh mẽ và rộng khắp. Nga là lãnh địa mà Nhà thờ Thiên chúa giáo chưa xâm nhập ảnh hưởng được nhưng luôn muốn chinh phục. Cho nên chiến lược của Nhà thờ Thiên chúa giáo mà Giáo hoàng Francis đang theo đuổi là vừa nỗ lực hòa giải với Nhà thờ chính thống Nga vừa cải thiện quan hệ với Nhà nước Nga để có thể dùng bên này tác động tới bên kia ở Nga. Không phải vô tư hay vô cớ mà Giáo hoàng Francis ba lần đón tiếp ông Putin ở Tòa thành Vatican.

Trong khi đó, ông Putin tranh thủ Tòa thánh Vatican để tận lợi từ uy tín và ảnh hưởng của Nhà thờ Thiên chúa giáo ở châu Âu và trên thế giới, để khích lệ Giáo hoàng Francis tác động và thôi thúc EU bình thường hóa trở lại quan hệ với Nga.

Ông Putin cũng còn dùng việc cải thiện quan hệ giữa Nga với Tòa thánh Vatican và dùng việc mập mờ hóa khả năng mời Giáo hoàng Francis tới thăm Nga để răn đe Nhà thờ chính thống Nga phải thuận với đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ chứ không được nghịch, không được cản phá hay chống đối và không được tự ý manh động trong việc hòa giải giữa Nhà thờ chính thống Nga và Nhà thờ Thiên chúa giáo.

Chốt điểm và toàn cục

Italy và Tòa thánh Vatican không phải là những nơi duy nhất ở châu Âu ông Putin vận dụng sách lược "kích điểm chốt" để "xoay chuyển toàn cục". Hungary, Hy Lạp hay Áo đều đã như vậy. Chỉ có điều là, bối cảnh tình hình hiện tại đã trở nên thuận lợi hơn trước rất nhiều cho ông Putin thực hiện thành công hơn sách lược này.

EU hiện tại chia năm xẻ bảy trong nội bộ và bế tắc định hướng phát triển, thiếu vắng lãnh đạo phất cờ. Nước Nga của ông Putin đã qua được thời kỳ khó khăn nhất về chính trị cũng như kinh tế, đã thu xếp ổn thỏa ở phía Đông và Nam với việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ. Quan hệ của Nga với Mỹ từ sau cuộc gặp giữa ông Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump vừa rồi bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 ở thành phố Osaka của Nhật Bản tuy có thể chưa nhanh chóng khá lên được nhưng chắc chắn không tồi tệ thêm đi.

Ông Putin giờ có thêm thế để xử lý lại quan hệ của Nga với EU, nhưng đồng thời nhu cầu về cải thiện quan hệ với EU cũng đã trở nên cấp thiết hơn trước đối với Nga.

Dịch Dung

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-nga-putin-kich-diem-chot-chuyen-toan-cuc-97064.html