Tổng thống Nga Putin nêu lý do vì sao châu Âu cần Dòng chảy phương Bắc 2?

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là cần thiết cho Liên minh châu Âu vì mức tiêu thụ khí đốt ở các nước EU đang gia tăng, trong khi dự trữ khí đốt của chính các nước EU lại đang giảm.

Tổng thống Nga Putin

Tuyên bố trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin dưa ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Phần Lan - Sauli Niinisto.

"Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 cần cho châu Âu. Ngài Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto vừa nói về sự cần thiết phải chuyển sang các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường ở Bắc Cực, và đây là đề xuất hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực duy nhất sử dụng "nhiên liệu xanh". Điều quan trọng nhất là khối lượng tiêu thụ đang không ngừng gia tăng, kể cả ở Liên minh châu Âu. Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom đã tăng lượng cung cấp cho các nước của EU lên gần 13%. Còn nguồn dự trữ tài nguyên riêng ở những nước châu Âu như Na Uy, Anh thì đang cạn kiệt", Tổng thống Putin nhấn mạnh.

Ưu điểm của đường ống dẫn khí đốt

Tuần trước, nhà lãnh đạo Nga trong các cuộc đàm phán với Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lưu ý tầm quan trọng của dự án đường ống dẫn khí đốt đối với châu Âu.

Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel

Theo ông Putin, việc thực hiện Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ không chỉ cải thiện hệ thống vận chuyển khí đốt của châu Âu, mà còn đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp và giảm thiểu rủi ro quá cảnh, và quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu “nhiên liệu xanh” ngày càng tăng của nền kinh tế châu Âu.

Về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vận chuyển khí đốt của Nga tới Đức, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng Ukraine phải tiếp tục đóng vai trò làm trung chuyển khí đốt tới châu Âu nếu dự án này đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, bà cũng hoan nghênh việc khởi động các cuộc thảo luận giữa Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga về vấn đề này.

Về phần mình, Tổng thống Putin cũng đồng quan điểm và cho rằng: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều quan trọng là vai trò trung chuyển của Ukraine - giống như trước đây với chúng ta - sẽ đáp ứng các nhu cầu kinh tế", đồng thời khẳng định dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn toàn đơn thuần là một dự án kinh tế.

Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin

Mỹ phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Mỹ phản đối dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vì cho rằng điều này sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga trong khi Ukraine lo ngại rằng đường ống này sẽ cho phép Nga loại Kiev khỏi vai trò trung chuyển.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Đức vì chi hàng tỉ USD cho khí đốt của Nga và kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới, trong khi đó Mỹ phải bảo vệ Đức là một đồng minh NATO và chi tiêu quốc phòng không tương xứng, nhiều hơn Berlin. Theo ông Trump, Đức hoàn toàn bị Nga kiểm soát thông qua nguồn cung cấp khí đốt.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố nói rằng họ phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2, và đe dọa sẽ trừng phạt các công ty tham gia dự án này và các dự án đường ống xuất khẩu khí đốt khác của Nga. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Putin ở Helsinki, ông Trump cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh với các Dòng chảy phương Bắc 2 bằng việc cung cấp cho châu Âu khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ (LNG).

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hiện tại trước khi rẽ nhánh.

Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.

Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án này. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".

Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tong-thong-nga-putin-neu-ly-do-vi-sao-chau-au-can-dong-chay-phuong-bac-2-post272468.info