Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Đang bế tắc

Sau hơn một năm làm Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron gây nhiều tiếng vang trên chính trường thế giới nhưng lại không nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cử tri nước mình.

Theo cuộc thăm dò mới nhất, uy tín của Tổng thống Macron tiếp tục giảm mạnh và đà lao dốc này không có dấu hiệu dừng lại. Giờ đây, ông Macron đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất là khôi phục lòng tin ở người dân nếu muốn tiếp tục tại vị trong Điện Elysee.

Thất sủng tại quê nhà

Trong cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron có được số phiếu bầu rất cao nhờ cam kết sẽ đưa “làn gió mới” vào nền kinh tế vốn bị trì trệ trong nước và thay đổi chính trường đang náo loạn bởi tham nhũng.

Thế nhưng, suốt gần 20 tháng cầm quyền, tỷ lệ ủng hộ ông suy giảm mạnh mẽ khi hơn hơn 80% người Pháp nói rằng họ không hài lòng với lộ trình kinh tế của nhà lãnh đạo trẻ, đồng thời khẳng định ông Macron không hề chú ý đến mối quan tâm của người Pháp.

Chưa đầy 20% có thái độ tích cực với nhà lãnh đạo 40 tuổi - mức xếp hạng phổ biến thấp hơn so với bất kỳ tổng thống nào khác trong cùng thời kỳ ở Pháp. Rõ ràng, đây là một tín hiệu đáng lo ngại đối với ông Macron.

Một số chính sách dưới thời Tổng thống Macron, đặc biệt liên quan đến cải cách kinh tế, đã hứng chịu sự chỉ trích nặng nề từ các tổ chức công đoàn hay đơn vị có những lĩnh vực ngành nghề và công việc bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tổng thống Macron liên quan đến bê bối Alexandre Benalla - vệ sĩ thân cận đang bị điều tra về hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình và được ông Macron... bao che.

Nhiều cải cách của ông bị người dân đánh giá rất tiêu cực như chính sách về tị nạn và nhập cư, chính sách về hệ thống hưu trí, cải cách y tế, cải thiện sức mua hay giảm bất bình đẳng xã hội.

Bên cạnh đó, hàng loạt cuộc biểu tình, đình công và tuần hành (có thời điểm đã bùng phát bạo lực) diễn ra trong suốt một năm qua ở mọi lĩnh vực trên toàn lãnh thổ Pháp là minh chứng cho thấy sự tức giận của một bộ phận người dân.

Giới quan sát đánh giá, từ khi ông Macron lên nắm quyền, nước Pháp chưa thay đổi rõ rệt so với trước, thậm chí còn đứng trước nguy cơ “trượt dốc”. Họ chỉ ra rằng các chính sách của ông tạo ra những mâu thuẫn không hề nhỏ trong nội các khi nhiều thành viên của liên minh cầm quyền đã công khai phản đối các cải cách của chính phủ.

Đặc biệt, ông Macron đang thể hiện là một tổng thống của tầng lớp giàu có trong xã hội và lờ đi các tầng lớp lao động nghèo khổ khi vị trí lãnh đạo các cơ quan chủ chốt của Pháp được bổ nhiệm phần lớn xuất thân từ tầng lớp thượng lưu.

Chính vì điều này mà người Pháp tin rằng cuộc cách mạng trong chính giới của Tổng thống Macron đã thất bại và người đứng đầu Điện Elysee dường như “đầu hàng” trước tầng lớp giàu có của nước Pháp.

Vừa qua, chính quyền của ông Macron bắt đầu áp nhiều thuế hơn đối với người thất nghiệp, thay đổi hệ thống giáo dục đại học và siết chặt luật nhập cư - những chính sách nhận phải nhiều sự phản đối cùng nguy cơ nổ ra thêm các cuộc biểu tình chống đối.

Điều này càng khiến ông Macron đối diện với khó khăn, nhất là vào thời điểm các nhà chỉ trích đang đẩy mạnh chiến dịch phản đối cải cách thuế, còn nền kinh tế vẫn tăng trưởng một cách ì ạch.

Giới quan sát cho rằng, nhà lãnh đạo Pháp cần có nhiều động thái vận động tích cực với Đức nếu muốn hiện thực hóa những ý tưởng cải cách châu Âu của mình.

Gần đây, “giọt nước tràn ly” chính là vụ bê bối Alexandre Benalla - vệ sĩ thân cận của tổng thống đang bị điều tra về hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình và bị nghi vấn là đã được ông Macron... bao che. Chưa hết, việc Bộ trưởng Bộ Sinh thái Nicolas Hulot từ chức trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp lại phơi bày điểm yếu của tổng thống trong nội các.

Đấy là những “ngòi nổ” sẽ khuấy động chính trường Pháp, đặt ông Macron trước nguy cơ hứng chịu thất bại trong các cuộc bầu cử sắp tới. Rõ ràng, vị Tổng thống Pháp cần phải thay đổi phong cách cầm quyền khi nhận thức được rằng bản thân hiện tại đã không còn có thể làm hài lòng đa số người dân và những người ủng hộ trong đảng.

Đơn độc ở châu Âu

Cùng với những chính sách giúp nước Pháp tiến lên phía trước, Tổng thống Macron đồng thời đưa ra một loạt đề xuất cải cách sâu rộng cho Liên minh châu Âu (EU) trong 10 năm tới.

Ông Macron từng phát biểu rằng “EU cũ đang quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả”, nhấn mạnh một EU 2.0 hoàn toàn mới trên nền tảng thống nhất và đoàn kết là cách duy nhất để giải quyết hiệu quả những thách thức lớn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tầm nhìn EU 2.0 đầy tham vọng của Tổng thống Pháp vấp phải những phản ứng trái chiều trong dư luận châu Âu.

Giới truyền thông “lục địa già” cho rằng nhiều quốc gia đang tỏ ra khá dè chừng (và có nhiều động thái ngăn cản) những kế hoạch đầy táo bạo của ông Macron để vực dậy châu Âu.

Rõ ràng, không dễ để “hô biến” EU thành phiên bản mới EU 2.0. Mặc dù có chung nhận thức về sự cần thiết phải cải tổ EU nhưng sự chia rẽ hiện tại trong nội bộ sẽ khiến việc đạt được đồng thuận về mô hình EU 2.0 gặp nhiều khó khăn.

Mô hình EU 2.0 cũng bị chỉ trích khi nhiều chính khách các nước châu Âu cảnh báo những đề xuất mới có thể biến EU thành một liên minh “chuyển đổi không có giới hạn”.

Theo đó, sáng kiến của ông Macron đang từ từ phá vỡ Hiệp ước Tăng trưởng và ổn định của EU. Chưa hết, giữ cho phương án EU 2.0 đi đúng hướng cũng sẽ là một thách thức không nhỏ khi đề xuất của Tổng thống Macron chỉ đang ở mức độ khởi đầu và còn không ít nội dung cần cụ thể hóa hay điều chỉnh nhằm dung hòa lợi ích của các thành viên.

Một trong những ưu tiên cải cách EU của Tổng thống Macron là định hình lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - nơi ông tin là không bền vững trong dài hạn nếu không có một cơ chế quản lý mang tính liên bang hơn.

Nước Pháp đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình chống lại chính sách cải cách của Tổng thống Macron, trong khi uy tín của ông đang giảm mạnh.

Ngay lập tức, Đức lên tiếng cảnh báo ông Macron rằng điều này hoàn toàn phi thực tế vào thời điểm hiện tại. Lập trường của Đức được đưa ra sau khi ông Macron tuyên bố ủng hộ việc thiết lập ngân sách chung cho Eurozone, đồng thời bổ nhiệm một Bộ trưởng Tài chính cho khu vực này.

Cơ quan tài chính của Đức tin rằng Eurozone sẽ ổn định nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của các thành viên khu vực trong những năm gần đây. Họ không nhận thấy sự yếu kém hệ thống nào trong việc quản trị Khu vực đồng tiền chung châu Âu và rằng việc ông Macron muốn “cải cách” Eurozone là không cần thiết.

Nhiều quốc gia khác cũng cho rằng, một sự thay đổi lớn đối với Eurozone đòi hỏi phải thay đổi hiệp ước, do đó cần được các nước thành viên thông qua.

Trong bối cảnh này, một nhóm gồm 8 nước phía Bắc của EU, đứng đầu là Hà Lan, đang hành động để “thúc đẩy” Đức đối phó với những đề xuất thay đổi từ Pháp. Liên minh mới này có chung phân tích về Eurozone với Berlin và sẽ ngăn chặn những ý tưởng mới của ông Macron nếu Đức trở nên “mềm mỏng”.

Họ nhận định những ý tưởng của ông Macron thiếu cụ thể, không có nhiều khác biệt so với chính sách trước đây của các đảng phái truyền thống vốn đã mang lại thất bại cho châu Âu và dẫn đến tình trạng bế tắc chính trị hiện nay. Họ cảnh báo, sự hội nhập xa hơn có thể khiến nhiều thành viên theo bước chân của Anh từ bỏ EU, làm cho châu Âu ngày càng chia rẽ.

Lâu nay, quyền lực thực sự không nằm trọn vẹn ở Brussels - trụ sở của EU, mà nằm ở Berlin và Paris. Vì thế, tầm nhìn của lãnh đạo hai quốc gia này được cho là sẽ chi phối đường hướng phát triển của EU.

Nếu hai “đầu tàu” này thực sự tìm được tiếng nói chung thì mọi việc trong nội bộ EU nhiều khả năng sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, những tín hiệu phát đi từ Đức cho thấy ít nhiều tiêu cực, hàm ý rằng nhà lãnh đạo Pháp cần có nhiều động thái vận động tích cực với Đức.

Suy cho cùng, có lý do để tin rằng ông Macron đứng trước nguy cơ bị cô lập ở châu Âu - yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến các kế hoạch đầy tham vọng mà ông muốn hiện thực hóa để tái định hình bối cảnh địa chính trị châu Âu trong tương lai.

Hồng Hạnh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/tong-thong-phap-emmanuel-macron-dang-be-tac-514592/