Tổng thống Pháp lấy làm tiếc vì cải cách hưu trí không được chấp nhận

Người dân phản đối tăng tuổi nghỉ hưu đã xuống đường đập nồi niêu ở nhiều thành phố của Pháp, trong khi Tổng thống Macron đang phát biểu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 17/4 đã có bài phát biểu trước toàn quốc đầu tiên kể từ khi ông ký ban hành luật cải cách hưu trí.

Nhà lãnh đạo Pháp cho biết ông nghe thấy sự tức giận của người dân về việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó là cần thiết để duy trì hệ thống hưu trí Pháp khi dân số già đi.

Ở nhiều thành phố, những người phản đối cải cách hưu trí đã xuống đường đập nồi niêu trong khi bài phát biểu của ông Macron được phát trực tiếp trên truyền hình toàn quốc, hô vang: “Ông Macron không nghe chúng tôi nói đúng không? Vậy chúng tôi cũng sẽ không nghe ông ấy!”

100 ngày “hàn gắn” đất nước

Tại Paris, các cuộc tụ tập nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình tự phát ở một số khu phố, với một số người đốt thùng rác khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông. Hàng trăm người cũng bắt đầu tuần hành ở các thành phố Rennes và Nantes ở miền Tây đất nước.

Ở nhiều nơi khác trên khắp nước Pháp, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình, với những người hô vang các khẩu hiệu và nhảy múa trước các tòa thị chính trong tiếng xoong nồi được sử dụng làm trống. Nhiều người bác bỏ những thay đổi này là không công bằng, cho rằng thay vì nâng tuổi hưu, chính phủ có thể tăng thuế đối với những người giàu có hoặc người sử dụng lao động.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình toàn quốc, ngày 17/4/2023. Ảnh: Financial Times

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình toàn quốc, ngày 17/4/2023. Ảnh: Financial Times

Trong bài phát biểu dài 12 phút, ông Macron thừa nhận cải cách của ông không được chấp nhận, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh nó cũng sẽ không bị rút lại.

“Cải cách này có được chấp nhận không?”, ông Macron hỏi, rồi ngay lập tức trả lời: “Rõ ràng là không. Mặc dù đã có nhiều tháng đàm phán, nhưng không có sự đồng thuận nào đạt được, và tôi rất tiếc về điều đó”.

Ngoài ra, ông Macron cũng tự đặt ra cho mình 100 ngày để “hàn gắn” đất nước. “Vào ngày 14/7, chúng ta sẽ cần có gì đó để xem xét”, ông nói, đề cập đến Ngày Quốc khánh Pháp (Bastille Day), thường là một cột mốc quan trọng trong nền chính trị của đất nước. “Chúng ta có 100 ngày để xoa dịu, đoàn kết, kỳ vọng và hành động vì nước Pháp”.

Ông cho biết cánh cửa vẫn mở cho các nghiệp đoàn, vốn đã từ chối lời mời gặp mặt ông tại Điện Elysee vào ngày 18/4. Ông yêu cầu chính phủ mở cuộc đàm phán với các nghiệp đoàn về nhiều vấn đề. Nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố các cuộc đàm phán trong những tháng tới sẽ xoay quanh “các vấn đề chính” như cải thiện thu nhập của người lao động, thúc đẩy sự nghiệp chuyên nghiệp tiến lên, chia sẻ của cải tốt hơn và cải thiện điều kiện làm việc, kể cả đối với những người lao động lớn tuổi.

Ông Macron hy vọng những đề xuất của mình sẽ giúp đất nước thoát khỏi giai đoạn biểu tình và đình công về tuổi nghỉ hưu, điều đang đe dọa những kế hoạch khác trong 4 năm cầm quyền còn lại của ông.

Người biểu tình ở Paris gõ chảo để phản đối trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình trước toàn quốc, ngày 17/4/2023. Ảnh: Getty Images

Người dân ở Lille, miền Bắc đất nước, đập xoong nồi trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình toàn quốc, ngày 17/4/2023. Ảnh: San Francisco Chronicle

Gặp nhau sau Ngày Quốc tế Lao động

Các cuộc tụ tập của những người phản đối đã bị chính quyền ở các thành phố Dijon và Marseille cấm, với lý do những hoạt động như vậy có nguy cơ gây “mất trật tự công cộng”.

Trước đó tại Marseille, cảnh sát đã bắt giữ 13 người sau khi các đồng hồ đo áp suất gas và công tơ mét bị vứt bên ngoài một tòa nhà chính phủ trong một cuộc biểu tình tự phát phản đối thay đổi chế độ hưu trí. Cảnh sát cảnh sát cho biết có một tiếng nổ lớn khi các đồng hồ đo bị trút xuống và một sĩ quan đang bảo vệ đã bị các mảnh vỡ bay trúng.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết hôm 15/4 rằng chính phủ sẽ tiến hành nhiều cải cách hơn khi luật hưu trí đã được ban hành. “Trong những tuần và tháng tới... chúng tôi quyết tâm tăng tốc”, bà nói với hội đồng quốc gia thuộc đảng Phục hưng (Renaissance) của Tổng thống Macron.

Các chính trị gia và công đoàn đối lập đã dành cả cuối tuần qua để công kích điều mà họ coi là sự áp đặt ngạo mạn về việc tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 bất chấp sự phản đối của khoảng 70% dân số trong các cuộc thăm dò dư luận.

Bà Marine Le Pen, thuộc Đảng Tập hợp Quốc gia (National Rally) cực hữu, kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách, giải tán quốc hội hoặc ông Macron từ chức, và cho rằng chính phủ Pháp đã mất hết uy tín.

Ông Olivier Faure, lãnh đạo Đảng Xã hội (Socialist Party), cho biết phe đối lập “chưa sẵn sàng chuyển sang những thứ khác”.

Biểu tình tự phát bùng lên ở thủ đô Paris sau bài phát biểu của Tổng thống Macron, ngày 17/4/2023. Ảnh: Financial Times

Thùng rác được nhìn thấy nằm trên đường phố Paris sau bài phát biểu trước toàn quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 17/4/2023. Ảnh: The Star

Các nghiệp đoàn lao động đi đầu trong các cuộc biểu tình, huy động hàng triệu người tuần hành trong 12 ngày biểu tình và đình công trên toàn quốc kể từ tháng 1, cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu. Họ kêu gọi công chúng biến các cuộc diễu hành của công nhân vào Ngày Quốc tế Lao động (1/5) thành các cuộc biểu tình khổng lồ chống lại cải cách hưu trí.

Bà Sophie Binet, lãnh đạo nghiệp đoàn CGT có đường lối cứng rắn, cho biết: “Đó sẽ là một làn sóng thủy triều có quy mô lịch sử”.

Ông Laurent Berger, người đứng đầu CFDT – nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp, cho biết các nghiệp đoàn sẽ chỉ sẵn sàng nói chuyện với chính phủ sau ngày 1/5.

Minh Đức (Theo AP, Daily Mail, Reuters)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tong-thong-phap-lay-lam-tiec-vi-cai-cach-huu-tri-khong-duoc-chap-nhan-a603567.html